Mời công an điều tra làm rõ thông tin nghi nhiều người trong một xã ở Phú Thọ nhiễm HIV

authorHòa Lê 17:23 13/08/2018

(VietQ.vn) - Thông tin nghi nhiều người ở một xã của Phú Thọ nhiễm HIV đang gây rúng động người dân nói riêng và cộng đồng dư luận nói chung.

Liên quan đến thông tin hàng chục người dân ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nghi nhiễm HIV, sáng 13/8, ông Phùng Quý Mão, Chủ tịch UBND xã Kim Thượng, cho biết hiện xã vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về số người nhiễm bệnh.

Ông Lê Quang Thọ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, cho biết trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6-2018, có 2 trường hợp tử vong vì HIV/AIDS ở Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, cũng trong thời gian này, có thêm 4 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Qua điều tra ban đầu, nhận định do vấn đề tiêm chích không an toàn và có thể liên quan đến một số hoạt động khám chữa bệnh.

Ông Thọ cũng cho rằng thông tin về việc sử dụng chung kim tiêm nghi lây nhiễm HIV mới chỉ là lời đồn, vẫn chưa có cơ sở. "Có thể người ta muốn che giấu những hành động họ không muốn tiết lộ như mua bán mại dâm, sử dụng bơm kim tiêm không an toàn trong quá trình tiêm chích... Hiện, chúng tôi đã mời cơ quan công an vào cuộc để điều tra làm rõ"- ông Thọ nói.

Vụ cả làng nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ: Phơi nhiễm là gì và cần làm gì để tránh ‘mất mạng’?

 Sẽ xét nghiệm miễn phí sàng lọc HIV cho người dân tại xã Kim Thượng nếu có nhu cầu. Ảnh minh họa

Phơi nhiễm HIV là gì?

Phơi nhiễm HIV là thuật ngữ dùng để chỉ sự tiếp xúc niêm mạc hay da của người không bị bệnh với máu, mô hay các dịch cơ thể của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.

Trao đổi với Zing, bác sĩ Hoàng Hải Hà - Khoa Nội - Bệnh viện 09 cho biết, trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp phải những trường hợp được gọi là phơi nhiễm HIV do bị kim đâm vào khi làm thủ thuật y tế tiêm truyền hoặc lấy máu làm xét nghiệm; vết thương do dao mổ hay các dụng cụ sắc nhọn chọc, đâm vào gây chảy máu; bị tổn thương qua da do các ống đựng máu hoặc chất dịch của người bệnh bị vỡ đâm vào; máu, chất dịch của người có HIV bắn vào các vùng da bị tổn thương, vào niêm mạc (mắt, mũi, họng).

Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra tương đối phổ biến khi bị người khác dùng kim tiêm đã sử dụng có máu (có chứa virus HIV) đâm vào, hoặc những người trong khi làm nhiệm vụ (công an, bác sĩ…), cấp cứu tai nạn giao thông, bắt tội phạm…

Trong đó, nguy cơ nhiễm HIV chỉ cao trong trường hợp tổn thương qua da sâu, chảy máu nhiều hoặc máu và các dịch của người có H bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét rộng từ trước.

Với các tổn thương da xây xát nông và không chảy máu hoặc chảy máu ít, máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị tổn thương, viêm loét, nguy cơ mắc bệnh rất thấp.

Trường hợp bị máu và chất dịch cơ thể của người bệnh bắn vào vùng da lành, không bị tổn thương, chúng ta sẽ không bị lây nhiễm.

Bác sĩ Hà cho biết trong thực tế, không phải trường hợp nào người bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV. Điều này còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Những cách xử trí khi nghi vấn phơi nhiễm HIV

Vụ cả làng nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ: Phơi nhiễm là gì và cần làm gì để tránh ‘mất mạng’?

 Khi bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần phải tiến hành xét nghiệm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV. Ảnh minh họa

Theo TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, khi bị phơi nhiễm với HIV, những người có nguy cơ cần bình tĩnh xứ lý ngay như sau:

- Xử lý vết thương tại chỗ: Nếu tổn thương da chảy máu thì cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước. Để vết thương tự chảy máu trong một thời gian ngắn, không nặn bóp vết thương. Rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt thì rửa mắt bằng nước cất hoặc nước muối sinh lý 0,9% liên tục trong 5 phút. Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi thì rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch nước muối sinh lý 0,9 %, súc miệng bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9 % nhiều lần.

- Đến ngay cơ sở y tế để được đánh giá nguy cơ phơi nhiễm theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc, thầy thuốc tư vấn và điều trị bằng thuốc ARV miễn phí nếu cần. Hiện nay tất cả các trường hợp điều trị phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV trong môi trường nghề nghiệp đều được nhà nước đảm bảo miễn phí.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang