Xã hội hóa trong giáo dục: Khơi sao thì đủ thoáng?

author 14:44 22/12/2023

(VietQ.vn) - TP.HCM có nhiều tiềm năng thu hút nguồn lực xã hội hóa trong GD-ĐT, nhưng việc thu hút này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, trong đó đất/mặt bằng, thuế và vốn là những vấn đề cơ bản.

Tại tọa đàm khoa học “Cơ chế thí điểm cho TP.HCM để thu hút nguồn đầu tư phát triển, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (GD - ĐT)” do Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Chính trị - Pháp luật (Hội đồng Hiệu trưởng các Trường ĐH TP.HCM), các đại biểu đều cho rằng, cần phải thay đổi tư duy trong thực hiện đầu tư PPP (đối tác công - tư) từ tinh thần đến việc triển khai thực hiện trong giáo dục. 

Theo thống kê đến năm học 2022-2023, TP.HCM là một trong 27 thành phố trên toàn thế giới có 35 trường có vốn đầu tư nước ngoài, gồm 19 trường phổ thông nhiều cấp học, 2 trường tiểu học và 14 trường mầm non với tổng số tiền đầu tư khoảng 440 tỷ đồng. 

Từ năm 2009 đến 2023, chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Thành phố thuộc lĩnh vực GD - ĐT đã được phê duyệt 86 dự án với tổng vốn đầu tư 9.160 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 4.022 tỷ đồng. Nguồn lực xã hội đầu tư trong lĩnh vực GD - ĐT đã góp phần gia tăng hệ thống trường lớp, cải thiện điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục của Thành phố.

TS. Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM.

Phân tích về tiềm năng thu hút nguồn lực xã hội hóa trong giáo dục, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị, an ninh trong khi thế giới, khu vực đang có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp như mối quan hệ căng thẳng Nga-phương Tây, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung,... Do đó, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho các công ty đa quốc gia trên thế giới, kéo theo số lượng người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, mang theo gia đình của họ và tạo ra một lượng cầu đáng kể cho GD - ĐT quốc tế, đặc biệt là ở các thành phố có lượng FDI cao như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Điều này được thể hiện ở một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên 10 trên bảng xếp hạng các nước có “môi trường làm việc và sống hấp dẫn” bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên (tính đến tháng 10/2023 cả nước có 132.381 lao động nước ngoài đang làm việc).

Tuy nhiên, việc thu hút nguồn lực xã hội phát triển GD - ĐT trên địa bàn TP.HCM chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động thu hút nguồn lực xã hội trong đầu tư, xây dựng mới hệ thống trường lớp ngoài công lập có sự phân bố chưa đều ở các quận, huyện. Một số nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao như quận Bình Tân, Bình Chánh... vẫn thiếu trường, lớp học, đặc biệt là trường mầm non và tiểu học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi một ngày chưa đáp ứng yêu cầu, sĩ số học sinh trên một lớp học cao hơn tỷ lệ trung bình toàn thành phố.

Cần có những chính sách đặc thù để thu hút các trường đầu tư theo hình thức PPP.

Các diễn giả cho rằng, sức hút của tư nhân cho lĩnh vực giáo dục hạn chế do nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề đất (mặt bằng), thuế và vốn là cơ bản. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu và có những chủ trương, giải pháp phù hợp hơn.

Về vốn điều lệ và quyền lợi của nhà đầu tư, theo quy định hiện hành, muốn thành lập một trường đại học phải có vốn 1.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, hơn nữa còn phải có khoản chi phí đầu tư đất và giải ngân tối thiểu là 500 tỷ đồng tại thời điểm thành lập, khiến cho nhà đầu tư khó có khả năng thực hiện.

Cùng với đó, nếu đầu tư rồi còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản, quyền quản trị và lợi nhuận thu về. Do đầu tư cho giáo dục là đầu tư dài hạn nên lợi nhuận thu về để hoàn vốn và bắt đầu có lãi sẽ phải có khoảng thời gian dài, đồng thời phụ thuộc và lưu lượng học sinh, sinh viên. Vì vậy, một số doanh nghiệp, tư nhân sẽ chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh khác để vốn ít hơn và xoay vòng nhanh hơn.

Về chính sách thuế, một nhà trường do tư nhân xây dựng và hoạt động phải có nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước theo luật định, bởi xét ở khía cạnh kinh tế, đó là một hoạt động kinh doanh đặc thù trong xã hội. Do đó, ngoài tiền thuế này, trường tư thục còn phải đóng thuế thuê mặt bằng (với những tư nhân không có mặt bằng), số tiền thuê mặt bằng thường phải tính theo giá cả thị trường thời gian thuê tùy theo hợp đồng giữa các bên và trong khung pháp lý quy định.

Trong khi đó, so với các trường công lập, trường tư phải hạch toán để chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học và trả lương cho giáo viên, nhân viên. Cùng với đó, để cạnh tranh với các trường công lập và trường tư khác nhau về số lượng người học thì họ không thể thu học phí quá cao.

Theo TS Bùi Ngọc Hiền, Trưởng phòng Quản lý khoa học, thông tin, tư liệu - Học viện Cán bộ TP.HCM, Nghị quyết số 98 mở ra các định mức đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn có thể có xung đột giữa các luật, quy định, vì vậy cần xử lý xung đột về pháp lý. Cùng với đó phải thay đổi tư duy trong thực hiện quan hệ đối tác công - tư, khác với cơ chế xin cho, khác thương mại hóa. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế thực hiện phải rõ ràng, mạch lạc, không biến tướng, đặc biệt kiểm soát, ngăn ngừa được những sai lệch, tránh làm méo mó từ khóa “thí điểm”. Khi xây dựng cơ chế phải đảm bảo tính bền vững, cập nhật, có độ mở của cơ chế.

Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi tư duy trong thực hiện quan hệ đối tác công - tư, khác với cơ chế xin cho, khác thương mại hóa. Việc xây dựng cơ chế quản trị nguồn lực phải thông thoáng “vì có tiền chưa chắc đã chi được”. TS Bùi Ngọc Hiền cũng nhìn nhận, phải chặt chẽ để đảm bảo dự liệu, đưa ra quy định cảnh báo, kiểm soát, tránh làm méo mó từ khóa “thí điểm”. Cơ chế phải rõ ràng, mạch lạc, không biến tướng, đặc biệt kiểm soát được sai lệch.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang