Xây dựng chiến lược phát triển bền vững, tăng sức chống chịu cho doanh nghiệp

author 14:23 20/10/2021

(VietQ.vn) - Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức chống chịu tốt trước “cơn bão” dịch bệnh khi đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Thời gian qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam dần kiệt sức cả về tài chính và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có sức chống chịu tốt trước “cơn bão” dịch bệnh khi đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững.

Vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm. Ảnh minh họa.

Trong đó, phát triển bền vững đối với doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị doanh nghiệp phát triển thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường.

Nhiều năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm. Thực tế cho thấy, có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19 để duy trì ổn định hoạt động, vẫn có sự tăng trưởng trong kinh doanh, từ đó hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép.

Đại diện một số doanh nghiệp cho biết, phát triển bền vững không chỉ là kim chỉ nam mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Do đó, để thực hiện phát triển bền vững hiệu quả thì việc tăng tốc độ chuyển đổi số và thay đổi phương thức vận hành phù hợp xu thế chung là giải pháp để thích nghi và phục hồi của doanh nghiệp.

Giới chuyên gia cho rằng, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ trải qua rất nhiều thách thức mới để bảo đảm nguồn lực, tạo đà phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài sự đồng hành của Chính phủ và cơ quan quản lý thông qua những gói hỗ trợ kịp thời và hiệu quả, rất cần thêm những chính sách mạnh mẽ, tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ, giúp xây dựng những hệ sinh thái tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại dịch Covid-19 theo một cách nhìn tích cực là tạo “cú huých” để các doanh nghiệp thay đổi tư duy, có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều hơn cho nguồn lực, cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục. Từ đó, khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, bảo đảm quá trình phục hồi và phát triển bền vững hơn. Quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là liều “vắc-xin” phòng ngừa hữu hiệu cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, phát triển bền vững là vấn đề mang tính nền tảng căn bản trong bất kỳ tình huống, môi trường sản xuất, kinh doanh nào, dù bình thường hay khi xảy ra khủng hoảng, nếu thực hiện tốt các yêu cầu về phát triển bền vững, đều có thể đem lại các giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang