Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, Bệnh viện Quốc tế European Wellness bị xử phạt

author 06:39 17/11/2023

(VietQ.vn) - Bệnh viện quốc tế European Wellness bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM ra quyết định xử phạt 46 triệu đồng, buộc tháo gỡ quảng cáo không đúng quy định.

Mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế European Wellness (địa chỉ số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) 46 triệu đồng và buộc tháo gỡ, thái dỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Cụ thể, Bệnh viện Quốc tế European Wellness đã có hành vi vi phạm, gồm: Không niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Không lập sổ khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với giá trị lô hàng vi phạm là 1.260.000 đồng.

Ngoài ra, ông Phú Văn Hưng - BS chuyên khoa Nội (địa chỉ số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) cũng bị xử phạt 2 triệu đồng vì không lập hồ sơ, bệnh án theo quy định của pháp luật.

 Quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế European Wellness

Sở Y tế kêu gọi người dân khi phát hiện các cơ sở y tế nghi ngờ hoạt động không phép, không chứng chỉ hành nghề hoặc quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội, hãy gọi ngay số điện thoại 0989.40.1155 hoặc qua app “Y tế trực tuyến” để Thanh tra Sở Y tế kịp thời nắm bắt thông tin, kiểm tra đột xuất và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Trao đổi với báo chí, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại khoản 1, Điều 2, Luật Quảng cáo 2012 quy định: “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi, sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự, chính sách xã hội, thông tin cá nhân”.

Tuy nhiên, thực tế lại có không ít quảng cáo có tính chất gian dối, không đúng sự thật. Theo đó, quảng cáo gian dối được hiểu là hành vi quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá tiền và giá trị sử dụng thật của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp.

Theo Điều 197, Bộ luật Hình sự 2015, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm: Bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Trên thực tế, thường có sự nhầm lẫn giữa hành vi quảng cáo gian dối, sai sự thật với hành vi lừa dối khách hàng. Mặc dù đều thực hiện các hành vi gian dối, tuy nhiên bản chất của hai hành vi này là khác nhau.

Tại Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định về hai tội danh riêng biệt là tội "Quảng cáo gian dối" và tội "Lừa dối khách hàng". Với tội "Quảng cáo gian dối", hành vi phạm tội được thực hiện nhằm đưa ra những thông tin quảng cáo không đúng sự thật của sản phẩm, dịch vụ (ví dụ, sản phẩm chất lượng kém nhưng lại quảng cáo đây là sản phẩm có chất lượng cao).

Với tội "Lừa dối khách hàng", thường thủ đoạn gian dối chỉ diễn ra trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ (ví dụ, sử dụng cân đã được điều chỉnh để cân hàn cho khách hàng khiến khối lượng hàng cân không chuẩn). Ngoài ra, mức phạt với hai hành vi này cũng được quy định khác nhau.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang