Xử phạt Công ty Anh Phát và Công ty Bemom Việt Nam vì nhập khẩu hàng giả mạo

author 17:24 16/01/2024

(VietQ.vn) - UBND TP. Hải Phòng vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Thương mại XNK Anh Phát và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bemom Việt Nam, do hành vi nhập khẩu hàng giả mạo.

Theo đó, việc xử lý vi phạm được căn cứ các quy định: Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi bổ sung năm 2020); Điều 18 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Thương mại XNK Anh Phát (địa chỉ số 646, đường Điện Biên, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bemom Việt Nam (địa chỉ số 1 ngõ 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cùng có hành vi nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hàng, bao bì hàng hóa (quy định tại điểm a khoản 7 điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP).

Trước hành vi vi phạm trên, UBND TP. Hải Phòng quyết định phạt hành chính mỗi doanh nghiệp số tiền 160 triệu đồng (tổng số tiền phát với 2 doanh nghiệp là 320 triệu đồng), đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tái xuất hàng hóa vi phạm.

Tại văn bản này UBND TP. Hải Phòng đề nghị thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian công bố đăng công khai thông tin đối với mỗi quyết định xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 1 lần, thời gian đăng tải ít nhất là 30 ngày.

Hải quan Hải Phòng kiểm tra hàng hóa xuất khẩu và phát hiện nhiều sai phạm. Ảnh minh họa

Nói tới hàng hóa giả mạo, căn cứ theo Khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về hàng giả gồm: Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.

Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Tem, nhãn, bao bì giả."

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 NĐ 185/2013/NĐ-CP: Tem, nhãn, bao bì giả gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang