Xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục sụt giảm do chưa xanh hóa quy trình sản xuất

author 14:01 27/10/2023

(VietQ.vn) - Xuất khẩu dệt may cả nước giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Các doanh nghiệp dệt may chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xanh của các nước Châu Âu và Mỹ là một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm.

Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ước tính đến hết tháng 9-2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Những rào cản mới từ thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải của doanh nghiệp. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thị trường Hoa Kỳ tuy mới áp dụng tiêu chuẩn xanh trong năm nay, nhưng đã khiến cho gần 80% doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam gặp khó.

Doanh nghiệp dệt may trong nước áp dụng tiêu chuẩn xanh vào sản xuất. Ảnh minh họa  

Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn tại thị trường châu Âu, vốn đã áp dụng rào cản xanh hơn 3 năm qua. Với quy định mới đây nhất là doanh nghiệp xuất khẩu dệt may vào thị trường châu Âu phải có dây chuyền công nghệ sản xuất đạt được chứng nhận tiêu chuẩn “eco tech” (công nghệ xanh), đã trực tiếp loại bỏ khoảng 90% doanh nghiệp dệt may xuất khẩu Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp không thể cải thiện dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn trên, thị trường châu u vẫn chấp nhận cho phép xuất khẩu nhưng phải chịu thêm thuế carbon, điều này dẫn tới doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá.

Ghi nhận thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào thị trường châu u đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8-2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9-2023 tiếp tục giảm sâu hơn khi đơn hàng từ các nhãn thời trang lớn trên toàn cầu như Decathlon, Nike, Adidas… sụt giảm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean nói, để đáp ứng tiêu chuẩn xanh không phải dễ. Muốn đầu tư dây chuyền sản xuất dệt may tự động, doanh nghiệp chỉ cần khoảng 1 triệu USD. Thế nhưng cũng với quy mô đó, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất có tiêu chuẩn “eco tech”, vốn đầu tư đòi hỏi phải tăng lên 12 lần. Đây là nguyên nhân chính khiến cho doanh nghiệp Việt “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi xanh.

 

 Các doanh nghiệp dệt may tìm hiểu hệ thống máy tự động sử dụng công nghệ mới. Ảnh Hoang Hùng

Cũng theo ông Việt đến năm 2024 các doanh nghiệp dệt may không đáp ứng được các tiêu chí xanh của EU sẽ bị áp thuế bảo vệ môi trường. Hiện tại TP.HCM chỉ mới có 5 - 10% doanh nghiệp dệt may đạt các tiêu chuẩn xanh của EU, đây là một con số rất khiêm tốn.

"Một chiếc quần jeans sản xuất theo quy trình thông thường chỉ bán được giá 200.000 đồng, nhưng nếu đáp ứng các tiêu chí xanh, thân thiện môi trường thì giá bán có thể cao gấp đôi", ông Phạm Văn Việt ví dụ.

Theo đó, các doanh nghiệp cần nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua giảm thuế, đưa vào các chương trình kích cầu, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Vitas sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối trực tiếp doanh nghiệp trong nước với nhà thu mua, các nhãn hàng thời trang toàn cầu để gia tăng đơn hàng, mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội khai thác thêm thị trường mới. Song song đó, kết nối các tổ chức liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh như sử dụng năng lượng sạch, áp dụng giải pháp tái chế, thực hiện chuyển đổi số, phát triển thương hiệu… Đây sẽ là những giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp xu hướng xanh, xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu, phục hồi năng lực sản xuất và cạnh tranh”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang