Giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng quy định mới của EU

author 06:35 23/08/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp dụng thêm nhiều quy định mới với sản phẩm dệt may. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có kế hoạch làm việc với các đối tác, hệ thống phân phối để chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường EU đặt ra.

EU là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ và là thị trường cao cấp, khó tính, có yêu cầu cao về chất lượng, quy định nghiêm ngặt về lao động, môi trường. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với thuế suất về dần 0% trong vòng 7 năm sau khi có hiệu lực là ưu thế giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh với đối thủ cạnh tranh. Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, chất thải dệt may của EU ngày càng nhiều. Hằng năm, người dân EU thải bỏ 5,8 triệu tấn hàng dệt may, trung bình khoảng 11,3kg/người. Số lượng hàng dệt may này phần lớn sẽ được đốt, chôn lấp hoặc xuất khẩu dưới dạng quần áo cũ. Vì vậy, EU đã phát động chiến dịch thiết lập lại xu hướng, giải quyết tất cả tác nhân trong ngành may mặc: Nhà thiết kế, thương hiệu, nhà bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng và nhà sản xuất hàng may mặc trong và ngoài châu Âu.

Mục tiêu của chiến dịch là đến năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm chủ yếu từ sợi tái chế, không chứa các chất độc hại và được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Hệ sinh thái hàng dệt may tuần hoàn đang phát triển mạnh, được thúc đẩy bởi năng lực tái chế sợi thành sợi sáng tạo, trong khi việc đốt và chôn lấp hàng dệt may được giảm đến mức tối thiểu.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có kế hoạch, chủ động xây dựng giải pháp thực hiện nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mà thị trường EU đặt ra. Ảnh minh họa

Dệt may, da giày Việt Nam là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua, nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA. Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường.

EU đã đề ra chiến lược mới cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền sản phẩm và quyền sửa chữa. Cùng với đó, EU cũng đang xem xét giới thiệu EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trên toàn EU đối với hàng may mặc. Điều này buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về cách sản phẩm của họ được xử lý, tái chế hoặc sửa chữa. Tại EU, hàng dệt may hướng tới mục tiêu cuối cùng không phải chôn lấp mà là tái chế. Tháng 4/2023, Hội nghị Bộ trưởng của các nước EU đã thông qua quy định về Ecodesign (thiết kế sinh thái). Hiện, Hiệp hội Dệt may và doanh nghiệp dệt may của EU đang triển khai rất nhiều hoạt động liên quan đến Ecodesign.

Mặt khác, hàng may mặc nói riêng, ngành dệt may nói chung tại EU chịu tác động lớn của duediligent (thẩm định chuyên sâu), trong đó, có đánh giá về yếu tố môi trường, lao động, nhân quyền.

Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lo ngại, khi EPR cũng như các quy định khác được áp dụng, điều đáng lo ngại là doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có thể xuất khẩu sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình. Nguyên nhân là do, EU yêu cầu các thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng thu mua, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho các nhãn hàng của EU, doanh nghiệp EU chịu trách nhiệm với các hoạt động liên quan đến EPR.

Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam cần nghiên cứu và đổi mới theo các xu thế và quy định trên; đồng thời, đi tắt, đón đầu các xu hướng để bứt phá thành công. Tuy nhiên, trước các động thái của EU với hàng dệt may, không ít doanh nghiệp trong nước đang rất lo lắng. Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong, chỉ 5 - 10 năm tự phân hủy.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngay các nhà nhập khẩu EU cũng chưa biết sẽ thực hiện các quy định này như thế nào. Bởi một nhà nhập khẩu của EU có rất nhiều nhà cung ứng, họ cũng không biết sẽ kiểm soát các nhà sản xuất ra sao. Ông Trương Văn Cẩm cho hay, dệt may Việt Nam là ngành có độ mở lớn, 85% năng lực sản xuất dành cho xuất khẩu. Những biến động trên thị trường thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn tới ngành. Do đó, doanh nghiệp rất cần thông tin thị trường, chính sách thương mại, đối thủ cạnh tranh; đặc biệt là những chính sách mới tại thị trường lớn như EU… để ứng phó kịp thời. Ông Trương Văn Cẩm cũng đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cập nhập và cung cấp thông tin cho hiệp hội để phổ biến kịp thời cho doanh nghiệp.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, những quy định của EU đang ở mức khuyến nghị nhưng doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng có động thái bắt nhịp. Nếu không, khi khuyến nghị thành bắt buộc sẽ rất phức tạp, nguy cơ khi đó không chỉ thiếu mà sẽ mất luôn đơn hàng. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của Bộ, ngành trong tổ chức sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc và quy trình, quy định, yêu cầu, điều kiện của các thị trường ngoài nước.

Khánh Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang