10 năm chưa duyệt xong thủ tục xây lò giết mổ công nghiệp

author 11:22 30/06/2016

(VietQ.vn) - Dự kiến đến cuối năm 2017 TPHCM sẽ dẹp sạch lò giết mổ thủ công để đưa vào giết mổ công nghiệp, cung cấp cho người dân nguồn thịt an toàn.

d

HTX Tân Hiệp, chủ đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp (mổ heo, công suất 2.000 con/ngày), lại vừa có văn bản hối thúc UBND TPHCM khẩn trương xem xét áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất nhà nước quản lý 1900,6 m2 (đất mương đường rạch) trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy thực phẩm Tân Hiệp tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn của Hợp tác xã Tân Hiệp.

Dự án đầu tư nhà máy thực phẩm này tuy được thành phố giao đất từ năm 2008 nhưng trong quá trình triển khai đã liên tục bị vướng các thủ tục quá nhiêu khê từ Trung ương đến địa phương, khiến đến nay vẫn chỉ nằm…trên giấy.

Trong khi đó, theo ông Bạch Đăng Quang, giám đốc HTX Tân Hiệp, đơn vị này đã bỏ ra nhiều chục tỷ đồng đến bù giải tỏa, san lấp cũng như thuê tư vấn thiết kế, và "lo chạy lòng vòng đủ thứ giấy tờ phát sinh từ nhiều năm nay, chi phí đội vốn lên không biết bao nhiêu"…

Ông Quang cho biết ông xây dựng dự án này với mong muốn người dân thành phố có nguồn thịt sạch, an toàn, được giết mổ trong lò công nghiệp, có kiểm soát chặt chẻ vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Thế nhưng, từ 2008 đến năm 2013, sau nhiều lần điều chỉnh, dự án tái khởi động sau khi được điều chỉnh bổ sung với diện tích gần 90.000 m2 nhưng chỉ vì 1.900 m2 (hơn 2%) đất công giữa thửa chưa xác định được nghĩa vụ tài chính mà dự án tiếp tục bị…treo.

Trong văn bản mới đây, HTX Tân Hiệp liệt kê rất nhiều thủ tục đã hoàn tất cho dự án, từ giấy phép quy hoạch, đồ án quy hoạch, đánh giá tác động giao thông công trình, báo cáo tác động môi trường...

Ông Quang còn cho biết thêm các sở tài chính, sở TN&MT đã có công văn chấp thuận phương án tính giá đất và được Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đề nghị áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền sử dụng đất đối với 1900,6m2 đất do nhà nước quản lý trong dự án đầu tư xây dựng nhà máy thực phẩm Tân Hiệp.

Để hoàn tất được các thủ tục đó là một quá trình vất vả, thế nhưng đến nay, ông Quang vẫn cho rằng dự án vẫn…bị vướng. Khúc mắc lớn nhất của HTX để triển khai xin phép xây dựng là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất nhà nước quản lý 1900,6m2 (đất mương đường rạch).

“Nếu đây là đất ngoài bìa HTX chúng tôi sẵn sàng bỏ để làm nhà máy cho nhanh. Theo kinh nghiệm của tôi thì nếu hồ sơ suôn sẻ phải 2 năm mới xong, các chủ đầu tư còn phải vượt qua các “ải” như: đền bù đất đai, hợp thửa, thẩm định phòng cháy chữa cháy, tác động môi trường, tác động giao thông…"

"Trước đây chúng tôi dự kiến vốn cho nhà máy là 200 tỉ đồng nhưng nay đã đội lên 500 tỉ đồng. Chúng tôi mong được tháo gỡ sớm để có thể đi vào sản xuất từ năm 2017”, ông Quang kiến nghị.

“Treo” thêm nhiều dự án nữa

 Tương tự như HTX Tân Hiệp, Công ty CP Delta, một thành viên của Tập đoàn Daso, chủ đầu tư nhà máy mổ bò công suất 200/ngày tại Hóc Môn, cũng khẳng định đơn vị này không lo thiếu vốn, công nghệ mà chỉ lo... "làm không hết các thủ tục rườm rà".

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Daso Việt Nam, cho biết dự án trên có vốn khoảng 5 triệu USD, chưa kể tiền đất và vốn lưu động, chỉ cần 9 tháng xây là xong nhưng hiện nay rất khó để hoàn tất các thủ tục lòng vòng.

Các tính toán cho rằng một dự án giết mổ đi vào hoạt động, đầu tiên chủ đầu tư phải bỏ tiền mua đất, diện tích tối thiểu từ 3 ha trở lên, tốn kém hàng trăm tỷ đồng và phải nằm trong quy hoạch.

Sau khi có đất, chủ đầu tư bắt đầu làm thủ tục phê duyệt quy hoạch với Sở Kiến trúc, Tài nguyên - Môi trường, Phòng cháy - Chữa cháy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Thú y…

Quan trọng nhất là đánh giá tác động môi trường và chấp thuận công nghệ. Nếu suôn sẻ, thời gian hoạn thiện thủ tục ít nhất…2 năm. Thời gian đủ để… mọi thứ thay đổi.

Hiện tại, TPHCM có 20 cơ sở giết mổ gia súc (18 mổ heo và 2 vừa mổ heo vừa mổ bò), 1 cơ sở giết mổ gia cầm, nhưng đều xếp loại B theo quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đối với heo, chỉ riêng 3 lò mổ lớn là Xuyên Á, Nam Phong, Vissan đã chiếm tỉ lệ hơn 70% sản lượng (khoảng 5.600 con/ngày).

Các lò mổ còn lại có quy mô nhỏ lẻ, có nơi chỉ 5-20 con/ngày nhưng vẫn phải bố trí cán bộ thú y để kiểm tra, giám sát, dù nơi đây không đạt bất cứ tiêu chí nào về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng trên, thành phố quy hoạch giết mổ từ nay đến năm 2020, theo đó đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ hiện hữu phải chấm dứt hoạt động (trừ 2 cơ sở ở huyện Cần Giờ, mỗi ngày giết khoảng 20 con heo cung cấp cho người dân huyện) để chuyển vào 6 nhà máy giết mổ tập trung ở Hóc Môn và Củ Chi.

Hai lò mổ bị đóng cửa sớm nhất là Nam Phong (Bình Thạnh) và Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), từ ngày 30-6, tiếp đến là lò mổ 213 Bến Bình Đông (quận 8) bị ngưng từ 31-12.

Các tiểu thương đang hoạt động tại các lò trên sẽ chuyển sang giết mổ tại cơ sở giết mổ trung tâm quận Bình Tân và Vissan.

Tuy nhiên, với việc phải thực hiện quá nhiều thủ tục như hiện nay, đại diện các chủ đầu tư đều khẳng định sẽ rất khó hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Minh Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang