Vợ chồng vẫn thu về hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Á châu

authorĐỗ Thu Thoan 11:56 23/08/2017

(VietQ.vn) - Mặc dù vẫn đang thụ án song bầu Kiên vẫn nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu tại ACB cùng vợ là bà Đặng Ngọc Lan cũng sở hữu một lượng lớn cổ phiếu. Hiện tại, 2 vợ chồng bầu Kiên đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng.

Sự kiện: Kinh doanh

Trong khi ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) vẫn trong vòng lao lý, Ngân hàng Á châu (ACB) dưới thời nhà ông Trần Mộng Hùng bứt phá mạnh, giúp túi tiền của Bầu Kiên tăng hàng trăm tỷ đồng 5 năm qua, dẫn thông tin theo báo Vietnamnet.

Cú sốc của thị trường tài chính sau sự kiện “Bầu Kiên” bị bắt đã chìm vào dĩ vãng. Một dàn lãnh đạo bao gồm ông Nguyễn Đức Kiên, ông Lý Xuân Hải, ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang, ông Trần Xuân Giá,... đã vướng vòng lao lý hoặc bệnh tật.

Sau 5 năm, có người đã mãn hạn tù, một số đã trở lại kinh doanh như trường hợp ông Phạm Trung Cang. Ông Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ngân hàng ACB với án 2 năm tù và ông Trịnh Kim Quang với 4 năm tù cũng đã thụ án xong. Trong đó, bầu Kiên là người chịu án dài nhất với 30 năm và vẫn đang thụ án.

Hiện Bầu Kiên vẫn đang nắm giữ hơn 31 triệu cổ phiếu. Vợ bầu Kiên là bà Đặng Ngọc Lan cũng sở hữu một lượng lớn cổ phiếu, nhiều hơn số cổ phiếu của Bầu Kiên.

Tổng cộng, 2 vợ chồng Bầu Kiên nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,8 ngàn tỷ đồng, tăng vài trăm tỷ đồng so với thời điểm ông trùm ngân hàng này bị bắt. Cổ phiếu ACB đã tăng khá mạnh từ mức thấp 12 ngàn đồng, lên hơn 26 ngàn đồng/cp như hiện tại.

5-nam-bau-kien-ngoi-tu-vo-chong-van-thu-ve-hang-tram-ty-dong-tu-ngan-hang-a-chau

Vợ chồng bầu Kiên. Ảnh: vietnamnet

Cũng theo Vietnamnet, cổ phiếu ACB khởi sắc nhờ vào những kết quả kinh doanh khá tốt và quy mô tăng khá mạnh trở lại dưới thời nhà ông Trần Mộng Hùng. Sau sự cố, ông Trần Hùng Huy (con trai ông Trần Mộng Hùng) giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, trong khi đó ông Hùng và bà Đặng Thu Thủy (mẹ ông Huy) là thành viên HĐQT.

Cho tới thời điểm này, ACB đã ổn định trở lại, cho vay, huy động, lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nợ xấu được xử lý khá tốt. Các chỉ số an toàn đã được đáp ứng.

Trước đó, theo Trí thức trẻ, ngày 21/8/2012, thị trường tài chính trong nước rúng động trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên, thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi "kinh doanh trái phép".

Chỉ trong vòng 3 ngày sau đó, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã bốc hơi 5,6 tỷ USD cùng hàng nghìn tỷ đồng đã bị rút ra khỏi ACB.

Sau bầu Kiên, sóng gió liên tiếp ập đến với ACB khi ông Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch HĐQT lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.

5-nam-bau-kien-ngoi-tu-vo-chong-van-thu-ve-hang-tram-ty-dong-tu-ngan-hang-a-chau

Trước đó, ngày 21/8/2012, thị trường tài chính rúng động trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng sáng lập ACB bị bắt tạm giam. Ảnh: Trí thức trẻ

ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam vào thời điểm đó, với tổng tài sản được ghi nhận vào 30/06/2012 là xấp xỉ 256 nghìn tỷ đồng. Sau sự cố, ngày 30/09/2012, con số này được ghi nhận còn lại khoảng 214 nghìn tỷ đồng và tròn 1 năm sau, đến 30/06/2013, tổng tài sản của ACB còn khoảng 169 nghìn tỷ đồng.

Liền sau sự cố về các cựu lãnh đạo, một đòn mạnh nữa được giáng vào ACB khi NHNN yêu cầu các Ngân hàng thương mại phải tất toán và chấm dứt việc huy động vàng của khách hàng. Đây là yếu tố góp phần làm cho tổng tài sản của ACB sụt giảm và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến khoản lỗ trên 1.700 tỷ đồng của ACB trong quý 4/2012, Trí thức trẻ thông tin.

Sau khi phần lớn Ban lãnh đạo cũ vào vòng lao lý, theo Bizlive, ACB đón nhận sự trở lại của gia đình ông Trần Mộng Hùng và từng bước thoát khỏi “cơn bão”.

Theo đó, tính đến tháng 6/2017, tổng tài sản của ngân hàng đã đạt hơn 265,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với đầu năm và tăng gấp 1,5 lần so với thời điểm sau khủng hoảng.

Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng cũng có sự tăng trưởng khá tốt với thu nhập lãi thuần đạt 3.927 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 27,6%, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 26,3%...

Trong nửa đầu năm, ACB cũng đã tăng vốn điều lệ từ 9.376 tỷ đồng lên 10.273 tỷ đồng thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Liên quan đến nợ của nhóm 6 công ty, trong năm 2016, ACB đã xử lý được 3.000 tỷ đồng nợ xấu nhóm này, vượt xa kế hoạch đặt ra đầu năm là 2.200 tỷ đồng. Theo đó, ACB đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ lên 1 năm và dự kiến hoàn thành toàn bộ việc nợ cho 6 công ty trong năm 2017.

Còn theo báo cáo soát xét năm 2017 của ngân hàng, số dư nợ vay nhóm 6 công ty đến 30/6 còn 3.527 tỷ đồng, tổng trích lập dự phòng đạt 2.967 tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản đảm bảo đạt 3.576 tỷ đồng, theo Bizlive.

Đỗ Thu Thoan (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang