7 tai nạn nguy hiểm trẻ thường gặp nhất trong ngày Tết

author 08:00 29/01/2017

(VietQ.vn) - Hóc thức ăn, té ngã hay ngộ độc hóa chất từ các vật dụng trong nhà, đồ chơi... là những tai nạn thường gặp nhất ở trẻ nhỏ trong những ngày Tết.

Ngộ độc hóa chất

Theo báo Kiến Thức, trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc hóa chất nhất. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa tất cả mọi thứ vào miệng, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình, nhất là ngày Tết lại có quá nhiều thứ để bé khám phá.

Khi gặp trường hợp trên người lớn thường móc họng trẻ để gây nôn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ dẫn đến trầy rách niêm mạc miệng, hầu, họng của trẻ. Ngoài ra, khi nôn trẻ sẽ hít phải chất độc và dễ bị viêm phổi. Do đó, khi trẻ bị ngộ độc hóa chất, phụ huynh cần xác định nhanh các thông tin liên quan đến tình trạng ngộ độc như tuổi và cân nặng của trẻ, trẻ đã nuốt cái gì, lượng nuốt phải, thời điểm nào, nếu có thể hãy giữ lại lọ/hộp chứa độc chất để đem cho bác sĩ xem. Loại bỏ bớt độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách giúp trẻ tự nôn ói. Cho trẻ uống nước lọc hoặc sữa, cởi bỏ quần áo để ngăn chất độc thấm vào cơ thể. 

Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc hóa chất nhất. Ảnh minh họa

Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc hóa chất nhất. Ảnh minh họa

Tai nạn về mắt

Đây là loại tai nạn không chỉ xảy ra nhiều ở trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng rất hay bị. Theo thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương, tai nạn xảy ra mọi lúc mọi nơi. Tỉ lệ tai nạn ở nhà là nhiều nhất với 47%, khi vui chơi nhất là chơi thể thao là 15%, 16% do công việc, tai nạn giao thông là 12%, 14% là trong các hoàn cảnh khác.

Tai nạn té ngã

Báo VnExpress đưa tin, trẻ vốn hiếu động, hay bắt chước người lớn như leo cầu thang, leo cửa sổ, đứng trên ghế, leo lên võng. Trẻ thích khám phá xung quanh vì tính tò mò như bò ra lan can, ban công, vào nhà tắm trơn trượt, trèo lên xe đạp khi chưa vững, rất dễ bị té ngã. Trẻ được cha mẹ chở trên xe gắn máy nhưng không được che chắn, ràng địu cẩn thận, không được đội mũ bảo hiểm.

Hậu quả khi té ngã, nhẹ nhất là trẻ bị chấn thương phần mềm, chảy máu hoặc xây xát da tại chỗ. Nặng hơn trẻ có thể bị gẫy tay, gẫy chân, nặng hơn nữa, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trong tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Trẻ cũng rất dễ bị té ngã trong những ngày Tết. Ảnh minh họa

 Trẻ cũng rất dễ bị té ngã trong những ngày Tết. Ảnh minh họa

Hóc dị vật đường thở

Ở trẻ nhỏ, dị vật đường thở thường do sặc sữa, cháo, cơm, thuốc, cho đồ chơi nhỏ vào miệng. Ở trẻ lớn là do ăn các loại hạt như lạc (đậu phộng), hạt dưa, hạt dưa, hạt bí... Nếu thấy trẻ đột nhiên khóc thét, ho sặc sụa, tím tái hoặc khó thở, mẹ nên nghi ngờ có thể trẻ đã bị dị vật đường thở.

Để tránh dị vật đường thở cho trẻ mẹ nên cho trẻ bú đúng cách, không ăn, uống thuốc khi đang khóc, cười hoặc đùa giỡn. Nếu trẻ phải uống thuốc, nên cho uống thuốc dạng siro hoặc tán nhuyễn; không cho trẻ chơi những vật dụng nhỏ hay các loại hạt; khi cho trẻ ăn trái cây có hạt, hãy lấy hết hạt ra trước khi cho trẻ ăn.

Bỏng

Nguyên nhân khiến trẻ bị bỏng nhiều nhất là do nhiệt ướt như nước sôi, cháo canh, dầu ăn (khoảng 77%). Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng vì nhiệt khô như lửa, bàn ủi, pô xe máy, một số bị bỏng do nổ gas, nổ bóng bay chứa khi hydro, bỏng do điện, hóa chất (axit). Không nên để trẻ ở gần bình gas nhỏ (bếp gas mini), không châm thêm dầu cồn khi bếp đang cháy, không để trẻ chơi lửa, không để bình thủy, nồi nước sôi, thức ăn vừa nấu chín, chai hóa chất ở trong tầm tay trẻ, không để ổ điện thấp trong tầm với của trẻ.

Điện giật

Trẻ sờ công tắc điện, ổ cắm điện, chỗ nối dây điện tróc vỏ, sờ nghịch dây đèn trang trí Tết... Đảm bảo an toàn khi mắc điện và sử dụng điện; không để dụng cụ điện, ổ cắm ngang tầm tay trẻ. Nếu nhà có trẻ nhỏ, không nên sử dụng đèn trang trí ngày Tết.

Ngạt nước ngày Tết

Một số gia đình có hồ kiểng non bộ trong nhà, gần chân cầu thang, trẻ có thể đến đó và té vào hồ. Hoặc trẻ vào bồn tắm vọc nước, té vào xô, chậu, thùng đựng nước hoặc bồn cầu, dẫn đến bị ngạt nước. Cách phòng ngừa tốt nhất không nên để trẻ nhỏ một mình, không thiết kế hồ kiểng trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ; xô nước bồn cầu cần được đậy nắp cẩn thận hoặc không chứa nước.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang