Amiăng rất độc sao không cấm?

author 06:33 19/07/2014

Nhiều loại sản phẩm dùng trong công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách âm (tấm lợp A-C, fibro xi măng…) có chứa amiăng. Tại hội thảo về amiăng diễn ra gần đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến đã cảnh báo về nguy cơ độc hại của amiăng đối với sức khỏe.

Tấm lớp amiăng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh minh họa: internet

Tấm lớp amiăng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Ảnh minh họa: internet

Trên thị trường, tấm lợp có kích thước 1,52m x 0,92m không có amiăng giá 70.000đ, nhưng cùng loại, có amiăng thì giá là 56.000đ. Với mức giá trên nên dù được khuyến cáo, các sản phẩm tấm lợp có amiăng vẫn được sử dụng rộng rãi.

Theo TS Đỗ Quốc Quang - Văn phòng Ban công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, không phải đến bây giờ cảnh báo về sự nguy hiểm của amiăng mới được đưa ra. Nhưng do giá thành, hiểu biết của người dùng còn hạn chế nên sản phẩm thay thế chưa được chú ý. Người dân, nhất là vùng nông thôn vẫn thiếu hiểu biết nên vô tư dùng sản phẩm chứa amiăng. Họ sử dụng tôn có amiăng và hứng nước mưa rơi từ mái nhà để dùng.

Theo TS Lương Mai Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), số quốc gia sử dụng amiăng ngày càng giảm, hiện chỉ còn 35 nước sử dụng. Trong khi đó, Việt Nam nhiều năm nay luôn đứng tốp đầu mười nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới.

Kết quả điều tra của một dự án do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cho thấy, các quy trình về an toàn vệ sinh lao động tại nhà máy sản xuất tấm lợp amiăng ở Việt Nam năm 2013 đều có vấn đề từ khâu quản lý nguyên liệu, an toàn vệ sinh lao động cho người tiếp xúc… Mặc dù Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, chính xác về tác hại của amiăng đến sức khỏe, nhưng các nghiên cứu của thế giới đã đưa ra nhiều cảnh báo.

“Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), amiăng là chất gây nhiều bệnh như bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, thực quản, buồng trứng”, TS Mai Anh cho biết.

Một nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 cho thấy, trong số 447 trường hợp ghi nhận bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng, có 46 trường hợp được chẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi...

“Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với amiăng thường kéo dài khoảng 20-30 năm”, TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam) nói.

Đại diện WHO và các chuyên gia quốc tế từng đưa ra cảnh báo việc dùng amiăng, quyết định cấm sử dụng của các nước cũng như việc bồi thường cho người mắc bệnh.

Dù kế hoạch của Chính phủ về loại bỏ và cấm amiăng trong vật liệu xây dựng đến năm 2004, nhưng kế hoạch này lại bị hoãn đến 2010 và sau đó hoãn thêm lần nữa đến năm 2020 với lý do sản phẩm này có chi phí thấp.

Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa amiăng trắng” vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa amiăng trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát nghiêm ngặt theo Luật Hóa chất năm 2007.

Theo PNO


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang