Áp 16 tiêu chuẩn, các cơ sở thẩm mỹ có bớt 'loạn'?

author 11:52 05/03/2018

(VietQ.vn) - Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành 16 tiêu chuẩn nhằm siết lại hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ. Động thái này được kỳ vọng sẽ dẹp bớt sự lộn xộn của thị trường dịch vụ làm đẹp này.

Theo thống kê, hiện Việt Nam hiện có hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Tuy nhiên thực tế, con số những đơn vị “tự tin” quảng cáo các dịch vụ làm đẹp liên quan đến phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thể còn lớn hơn thế, và ẩn mình dưới danh nghĩa các thẩm mỹ viện, spa…

Theo bà Phan Thị Hải - Trưởng Phòng Quản lý hành nghề khám chữa bệnh (Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế) cho biết, con số hơn 300 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ tăng đột biến trong những năm gần đây và ngày càng khó quản lý với nhiều hình thức kinh doanh, quảng cáo trá hình.

Những trường hợp bị biến chứng sau khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ kém chất lượng

Chỉ cần vào trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa nâng mũi, nâng ngực, hút mỡ, gọt cằm... là hàng loạt những trang quảng cáo về những dịch vụ trên hiện ra với những từ ngữ hoa mỹ như: nâng mũi siêu cấu trúc với các kỹ thuật hiện đại và chất liệu nâng mũi an toàn mang đến cho bạn chiếc mũi cao ráo tự nhiên như thật; phẫu thuật nâng ngực nội soi với kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ 3D tiên tiến bậc nhất sẽ giúp bạn khắc phục hoàn toàn khuyết điểm của vòng một, đẹp tự nhiên, an toàn và duy trì kết quả lâu dài, không biến chứng ổn định theo thời gian; hút mỡ thừa vùng bụng, hiệu quả an toàn tuyệt đối được FDA Hoa kỳ chứng nhận cho phép sử dụng trên toàn thế giới, không phẫu thuật an toàn tuyệt đối, thực hiện một lần duy nhất...

Không những thế, để tạo độ tin tưởng cho khách hàng "tiềm năng" của mình, các cơ sở làm đẹp này còn thuê cả những nhân vật nổi tiếng livestream trên các trang facebook, Youtube... hoặc liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, bán voucher giảm giá trên các trang mua hàng điện tử với mức giảm lên đến 60 -70%.

Thực tế đã ghi nhận rất nhiều trường hợp sử dụng dịch vụ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ của các cơ sở chuyên môn kém dẫn đến tình trạng biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như diện mạo một cách nghiêm trọng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tại Hà Nội, hiện có 65 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bảy bệnh viện có chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ, hai bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Ngoài ra, có không ít những spa, thẩm mỹ viện không có bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ và điều này là trái pháp luật. Con số này còn khá khiêm tốn so với TP. Hồ Chí Minh khi có tới 150 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Tuy nhiên, con số thẩm mỹ viện, spa, đặc biệt là spa trong khách sạn không thể quản lý xuể.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ thực tiễn tại địa bàn Hà Nội, có nhiều bất cập đáng lo ngại nhất đối với ngành PTTM như các cơ sở PTTM không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động hoặc chỉ được cấp phép làm một số danh mục kỹ thuật nhất định nhưng khi thực hiện lại vượt quá phạm vi cho phép. Một số cơ sở khi quảng cáo thì nội dung khác với nội dung đã được duyệt.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh khó nhất trong việc quản lý hoạt động dịch vụ này là quản lý những cơ sở không xin phép, các nhóm spa trong khách sạn.

TS Phạm Trình Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ TP. Hồ Chí Minh dẫn chứng, tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế rất khó quản lý những trung tâm spa, viện thẩm mỹ. Rất nhiều cơ sở không có chức năng thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ nhưng lại kết hợp các hoạt động này trong hoạt động spa của mình. Ngoài ra, rất nhiều cơ sở spa thực hiện kỹ thuật xăm mình không bảo đảm an toàn vệ sinh, rất dễ xảy ra khả năng lây nhiễm một số bệnh.

Việc quy định 16 tiêu chuẩn thiết yếu dành cho phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ vừa được Sở Y tế TP.HCM ban hành được xem là một động thái quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lộn xộn trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hiện nay.

Theo đại diện Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, 16 tiêu chuẩn mới được ban hành nhằm mục đích hỗ trợ các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tự rà soát, củng cố những phòng khám hiện đang có hoặc chưa có theo chuẩn này.

16 tiêu chuẩn dành cho phòng khám thẩm mỹ bao gồm:

1. Tất cả nhân viên y tế trực tiếp tham gia khám chữa bệnh tại phòng khám phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và phải đăng ký hành nghề.
2. Nếu phòng khám có hợp đồng với nhân viên y tế hiện là viên chức nhà nước phải có văn bản của người đứng đầu đơn vị cho phép làm việc ngoài giờ.
3. Bố trí đủ nhân sự để hỗ trợ bác sĩ thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và theo dõi người bệnh.
4. Nếu phòng khám có khám, chữa bệnh cho người nước ngoài, bác sĩ phải được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo ngoại ngữ hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
5. Nếu cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ người nước ngoài tham gia khám, chữa bệnh, phải có giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề phù hợp do Bộ Y tế cấp, được cấp giấy chứng nhận sử dụng thành thạo tiếng Việt trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc có người phiên dịch theo đúng quy định.
6. Phòng khám chỉ được hoạt động sau khi Sở Y tế đã thẩm định và cấp phép.
7. Biển hiệu của phòng khám phải đúng quy cách và đầy đủ nội dung theo quy định. Cơ sở thẩm mỹ phải trình nội dung quảng cáo lên Sở xét duyệt.
8. Tất cả kỹ thuật chẩn đoán và điều trị của phòng khám phải được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt trước khi thực hiện.
9. Khi thay đổi nhân sự thực hiện kỹ thuật, người chịu trách nhiệm chuyên môn phải báo cáo về Sở Y tế để thẩm định, phê duyệt lại các kỹ thuật có liên quan.
10. Trong quá trình hoạt động, nếu phòng khám có nhu cầu bổ sung thêm kỹ thuật thì phải gửi hồ sơ để được Sở Y tế thẩm định và phê duyệt bổ sung trước khi triển khai thực hiện.
11. Bác sĩ điều trị phải là người trực tiếp tư vấn cho người bệnh về chỉ định và các phương pháp can thiệp để người bệnh biết rõ và chọn lựa.
12. Nội dung tư vấn phải bao gồm cả hiệu quả can thiệp và tác dụng không mong muốn, phải được thể hiện và lưu vào hồ sơ bệnh án.
13. Phòng khám phải lập hồ sơ bệnh án ngoại trú cho từng người bệnh đến khám và điều trị theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng đúng biểu mẫu hồ sơ bệnh án ngoại trú do Bộ Y tế ban hành.
14. Bác sĩ điều trị ghi chép đầy đủ các mục quy định trong bệnh án, lưu ý những nội dung về thăm khám, chẩn đoán, đánh giá tình trạng người bệnh trước và sau phẫu thuật, thủ thuật.
15. Cơ sở thẩm mỹ phải có phiếu tường trình thủ thuật, phẫu thuật phải được ghi đầy đủ các nội dung theo quy định của Bộ Y tế. Hồ sơ bệnh án phải được lưu trữ theo đúng quy định.
16. Phòng khám phải ghi đầy đủ thông tin theo đúng biểu mẫu của Bộ Y tế, tuân thủ nghiêm các quy định về kê đơn thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần...

Nguy hiểm từ chất làm đầy trong phẫu thuật thẩm mỹFiller hay còn gọi là chất làm đầy hiện nay đang sử dụng phổ biến trong kỹ thuật nâng mũi, bơm má vì chỉ cần tiêm mà không cần đụng đến dao kéo.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang