Áp lực quá tải đè nặng lên bác sỹ

author 07:21 20/11/2013

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, áp lực từ sự quá tải ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng điều trị

 

Ở nhiều nước, thời gian khám cho một người bệnh ít nhất là 30 phút, còn ở ta, mỗi bệnh nhân được khám trong khoảng 15 phút. Việc nằm ghép 2-3 người/giường bệnh có thể dẫn đến việc tiêm nhầm, cho uống nhầm thuốc, thậm chí là điều trị nhầm phác đồ, đặc biệt là trong trường hợp có nhiều người bệnh trùng tên nhau. Mặt khác, sự quá tải dẫn đến hệ quả là việc kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn không thể thực hiện tốt và đó cũng là nguyên nhân gây ra tai biến y khoa.

Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế Bùi Đức Phú, nghiên cứu mới đây tại 55 BV của 14 nước trên thế giới cho thấy vấn đề nhiễm khuẩn BV đang gây ra mối quan ngại lớn. Nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị đã bị lây nhiễm chéo. Nhiễm khuẩn BV làm kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân, làm tăng tỷ lệ biến chứng khi bệnh nhân phải sử dụng nhiều thuốc kháng sinh. 

Giám đốc Bệnh viện (BV) Sản - nhi Ninh Bình Phạm Cầm Kỳ, tai biến xảy ra một phần do sự thiếu trách nhiệm của y, bác sĩ. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế, áp lực từ sự quá tải BV dẫn đến việc cán bộ y tế phải làm việc quá giờ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và thể chất. Thậm chí, khi trực đêm, có những lúc một y, bác sĩ phải đối mặt với hàng chục ca cấp cứu. Với môi trường làm việc căng thẳng, trang thiết bị lại thiếu đồng bộ, nguy cơ tai biến là khó tránh khỏi trong điều kiện biên độ an toàn hạn hẹp như vậy.
"Khi tai biến xảy ra, lãnh đạo BV thường tìm lỗi cá nhân mà không suy xét đến lỗi của tập thể - lỗi ở đây là lãnh đạo BV không đưa vấn đề an toàn BV lên hàng đầu", ông Phạm Cầm Kỳ nói.

Trong các tai biến y khoa, các chuyên gia cho rằng tai biến sản khoa là loại tai biến nghiêm trọng, gây hậu quả nặng nề nhất. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 9 tháng năm 2013, Việt Nam ghi nhận gần 450 bà mẹ tử vong do nguyên nhân liên quan đến tai biến sản khoa. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, con số thực tế còn lớn hơn nhiều. 

"Để nâng cao tay nghề của các y, bác sĩ, vấn đề đào tạo phải được coi trọng hơn. Chất lượng sinh viên ngành y phải được siết chặt từ đầu vào, thường xuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá trong quá trình đào tạo. Về vấn đề này, ngành giáo dục phải đưa ra luận bàn một cách nghiêm túc", một chuyên gia bày tỏ quan điểm.

Không dễ để một bác sĩ có thể đoán biết được mọi loại bệnh. Tuy nhiên, họ cần phải xác định rõ bệnh nhân bị bệnh gì, điều trị như thế nào thì thích hợp. Không thể để xảy ra trường hợp bác sĩ chuyên về sản khoa lại đi chữa cho bệnh nhân xương khớp. Những người tham gia vào quá trình khám, chữa bệnh cần hiểu trình độ, năng lực của mình đến đâu, có thể làm gì và không thể làm gì; nếu không tự ý thức được thì cần có giải pháp giám sát, kiểm tra nhằm ngăn chặn tình trạng "ngồi nhầm ghế". Nói vậy là bởi trong thực tế có không ít nhân viên y tế hành nghề quá phạm vi cho phép, dẫn đến tai biến y khoa gây chết người. Những tai biến xảy ra tại các cơ sở hành nghề y tư nhân trong thời gian vừa qua cho thấy việc thực hiện kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn cho phép là vô cùng nguy hiểm, điển hình như trường hợp bệnh nhân tử vong tại phòng khám đa khoa Maria, tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hiện nay, cơ cấu bệnh tật thay đổi, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị. Vì vậy, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các bác sĩ phải cập nhật kiến thức thường xuyên. Để hạn chế tai biến y khoa thì ngoài việc khắc phục tình trạng quá tải BV, nâng cấp trang thiết bị y tế, các nhân viên y tế cần phải trau dồi chuyên môn, rèn luyện y đức. "Bác sĩ phải có tâm, có tầm và thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, khi đó mới mong hạn chế được tai biến y khoa", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh. 

Sau cuộc tọa đàm nói trên, có thể thấy ngành y tế dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp hạn chế tai biến y khoa. Tuy nhiên, với một vấn đề lớn, liên quan đến nhiều yếu tố hiện vẫn là điểm hạn chế khó khắc phục ngay (như quá tải, trang bị…), việc tìm ra giải pháp không phải là điều có thể thực hiện ngay lập tức. Bằng chứng là ở tọa đàm nói trên, những nguyên nhân và giải pháp cơ bản được chỉ ra đều là vấn đề chung, đã được nhắc tới nhiều. Loanh quanh mãi, cuối cùng quay trở lại với nâng cao y đức, trình độ nguồn nhân lực, nâng cấp trang thiết bị, chống quá tải… 
Hỗ trợ chứ không đền bù khi có tai biến y khoa
Trong khuôn khổ tọa đàm, vấn đề gây tranh luận là khi tai biến xảy ra, tiền đền bù cho bệnh nhân được trích từ đâu? Về vấn đề này, các chuyên gia khẳng định đó không phải là tiền đền bù, mà chỉ là tiền hỗ trợ bệnh nhân. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, ngay sau khi xảy ra tai biến, BV sẽ phải thành lập hội đồng chuyên môn, xem xét lỗi ở khâu nào để xử lý theo quy định. Phần lớn BV đều có quỹ hỗ trợ, do các bác sĩ đóng góp chứ hiện nay chưa có văn bản nào quy định phải lấy tiền Nhà nước ra để đền bù khi xảy ra tai biến y khoa.

Đan Lê (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang