Bài học công nghệ điện hạt nhân từ nước Pháp

author 16:44 30/06/2015

(VietQ.vn) - Năng lượng điện hạt nhân chiếm 75% tổng lượng điện quốc gia của Pháp; do đó, trong khi nhiều nước chọn phương án ngừng sử dụng loại năng lượng này, Pháp vẫn chọn cho mình một con đường khác.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Pháp bắt đầu chương trình hạt nhân từ năm 1973 – thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ, chỉ trong khoảng 3 thập kỷ, Pháp đã thu được nhiều thành tựu to lớn trong quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ điện hạt nhân (ĐHN). Hiện Pháp có 58 lò phản ứng hạt nhân đang vận hành bởi Công ty Điện lực Pháp (EDF), với tổng công suất 63,2 GWe, cung cấp 416 tỷ kWh trong năm 2014, báo Hà Nội Mới cho hay.

Theo các chuyên gia, có 3 lý do chính chứng minh cho việc người dân Pháp chấp nhận sự phát triển của ĐHN. Thứ nhất: Người Pháp khá độc lập về quan điểm nên ý nghĩ bị phụ thuộc nguồn cung năng lượng với một khu vực bất ổn như Trung Đông là rất bấp bênh. Thứ hai: Nước Pháp tin họ có đủ trình độ sở hữu những công nghệ hiện đại như ĐHN, tàu cao tốc và máy bay phản lực siêu âm. Thứ ba: Các nhà chức trách Pháp đã làm việc rất chăm chỉ để công dân của họ thấy rõ những lợi ích của năng lượng hạt nhân cũng như rủi ro mà nó có thể mang lại… Các cuộc thăm dò được thực hiện trong nhiều năm đã cho thấy, phần đông công chúng Pháp ủng hộ ĐHN. Vì thế, mạng lưới các nhà máy ĐHN trải đều khắp vùng miền của quốc gia này.

Nhà máy điện hạt nhân Chooze, Pháp

Nhà máy điện hạt nhân Chooze, Pháp. Ảnh Techreleased

Cho đến nay, Pháp vẫn không ngừng nghiên cứu và phát triển công nghệ ĐHN, đồng thời vẫn coi năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng trong nghành sản xuất năng lượng, cho dù loại năng lượng này đang dần bị thay thế bằng năng lượng tái tạo.

Sau nhiều năm nghiên cứu, hiện các công ty Pháp đã giới thiệu một số công nghệ lò phản ứng hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế về ĐHN. Tiêu biểu nhất trong số này là lò ATMEA1, được Tập đoàn ATMEA phát triển. ATMEA là công ty liên doanh do AREVA và Mitsubishi Heavy Industries (MHI) thành lập năm 2007. Lò ATMEA1 là kiểu lò nước áp suất (PWR) thế hệ III với công suất 1.100-1.150MW và có tuổi thọ khai thác 60 năm. Lò được dùng cho mọi kiểu lưới điện, đặc biệt là lưới điện công suất trung bình. Trong quá trình thiết kế, lò ATMEA1 đã thừa kế các kinh nghiệm của AREVA và MHI, trong đó cả hai công ty này đã thiết kế và xây dựng tổng cộng hơn 130 lò phản ứng trên khắp thế giới.

Cho dù vậy, đến tháng 7/2015, Hạ viện Pháp vẫn thông qua Đạo luật chuyển đổi năng lượng nhằm giảm thiểu lệ thuộc vào năng lượng nguyên tử để sản xuất điện. Luật chuyển đổi năng lượng đã đáp ứng mục tiêu hàng đầu của chính phủ đảng Xã hội Pháp, là kiên quyết giảm từ 75 đến 50% thị phần của điện hạt nhân, trong tổng lượng điện tiêu thụ đến năm 2025. Luật này cũng dự kiến tổng công suất điện nguyên tử của Pháp từ nay bị giới hạn ở mức trần 63,2 gigawatt ; tức năng lực hiện nay của 58 lò phản ứng thuộc 19 nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc.

Đây có thể coi là một nỗ lực trong việc cân bằng nghành sản xuất năng lượng của nước này, tuy nhiên vẫn không thể phủ nhận vị thế quan trọng của công nghệ điện hạt nhân cùng các lợi ích mà nó đem lại.

Đình Vũ

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang