Bãi trông xe quanh di tích ‘nhan nhản’, ‘chặt chém’ giá ‘cắt cổ’

authorHuyền Bùi 12:30 21/02/2018

(VietQ.vn) - Đầu năm là dịp để các dịch vụ kinh doanh lợi dụng cơ hội để ‘chặt chém’ khách, trong đó các bãi trông xe nở ra với giá cắt cổ khiến nhiều người bức xúc.

Dịch vụ trông xe 'hét' giá trên trời

Tại các điểm di tích đền chùa như: Đền Ngọc Sơn (hồ Hoàn Kiếm), Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa), chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ)… xuất hiện hàng loạt các bãi trông xe tự phát, với giá cao hơn gấp 3-4 lần so với giá quy định.

Tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, rất đông người đứng dưới lòng đường vẫy xe vào gửi. Đoạn trước cổng chùa Bà Nành, một người trông xe đưa chúng tôi vé xe cắt ra từ vỏ bao thuốc lá rồi thu 10.000 đồng và nhanh nhảu khẳng định: “Đi đâu cũng thế thôi, 10.000 đồng là rẻ nhất rồi, trên kia còn 20 - 25.000 đồng không có chỗ gửi”. Tại ngã 3 phố Văn Miếu - phố Quốc Tử Giám, một người đàn ông đứng giữa lòng đường hướng dẫn xe ô tô đỗ. Khá nhiều người bất ngờ kèm bức xúc khi bị thu đến 100 ngàn đồng một lượt đỗ. Anh Đỗ Chí Hiếu (phường Khương Mai, Thanh Xuân) cho biết, 2 ngày Tết đi 4 đình, chùa anh mất tới 400 ngàn tiền gửi xe. “Đành chấp nhận chứ không biết làm thế nào”, anh Hiếu nói.

Như mọi năm, khu vực hồ Hoàn Kiếm vẫn là nơi tập trung đông đảo người dân tới thăm quan và cũng là nơi nóng nhất chuyện “chặt chém”. Từ ngày mùng 1 Tết, tượng đài Cảm tử (đối diện đền Ngọc Sơn) bị quây kín bởi hàng trăm xe máy với giá 20 ngàn đồng/xe một lượt gửi. Trên vé xe máy in dòng chữ “Oanh – 61A Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội” cùng dòng chữ viết nguệch ngoạc biển số xe. Ngoài ra, bãi xe này còn tận dụng lòng đường phố Hàng Dầu để trông xe ô tô, mỗi ô tô thu ít nhất 50 ngàn, cao nhất 100 ngàn đồng, không có vé xe. Mặc dù là bãi xe tự phát nhưng hoạt động rất công khai, đề biển “Bãi gửi xe” rất to trên vỉa hè cách 2 xe công an phường đỗ quanh vườn hoa không xa.

bai-trong-xe-quanh-di-tich-nhan-nhan-chat-chem-gia-cat-co

 Bãi gửi xe vườn hoa Cảm Tử (đối diện đền Ngọc Sơn). Ảnh: Tiền Phong

Một điểm trông xe gây bức xúc khác là đền Bạch Mã (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm). Mặc dù có biển “Trông giữ xe vào đền” cùng 4, 5 người mặc quần áo trật tự ngay sát đền nhưng người dân vẫn phải chấp nhận mức giá 10.000 đồng/xe máy.

Tương tự tại các phố Phùng Hưng, Hàng Lược (đoạn gần phố bích họa Phùng Hưng), Đinh Lễ, Hàng Trống… các bãi giữ xe san sát trên vỉa hè còn “hét giá” lên đến 30.000 đồng/xe máy.

Trên đường Thanh Niên đoạn qua chùa Trấn Quốc ùn tắc liên tục 5 ngày Tết bởi nạn trông ô tô dưới lòng đường, ô tô đỗ dọc tuyến đường này dài hơn 1km. Mỗi ô tô đỗ đều có người đứng thu tiền, mỗi xe thu 100 ngàn đồng. Chị Đỗ Thu Hiền (quê Bắc Ninh) cho biết, đầu năm đôi co cũng không vui vẻ gì nhưng thực sự là “méo mặt” vì gửi xe. “Thà tiền đó để công đức chùa còn hơn vào túi cá nhân nào đó”, chị Hiền bức xúc.

Mùa lễ hội năm nay, bên cạnh những bãi xe “chặt chém” cũng có không ít điểm sáng đáng ghi nhận. Tại phủ Tây Hồ cơ quan chức năng bố trí cho du khách 2 bãi xe rộng , một bãi xe máy và một bãi ô tô, toàn bộ đều miễn phí. Việc này khiến khu vực xung quanh giảm hẳn tình trạng trông xe tự phát, cũng như “chặt chém”. Lãnh đạo UBND quận Tây Hồ cho biết, trên địa bàn có 15 lễ hội đầu xuân, trong đó có hai lễ hội lớn nhất là phủ Tây Hồ và chùa Trấn Quốc. Để chuẩn bị phương án trông giữ xe đảm bảo cho nhân dân du xuân được trọn vẹn, quận đã giao cho một doanh nghiệp tổ chức 2 bãi xe; bãi xe máy sức chứa khoảng 1.000 chiếc, bãi ô tô hơn 100 xe hoàn toàn miễn phí từ mùng 1 đến mùng 6 Tết. Sau ngày này, doanh nghiệp được thu theo giá quy định. Tại lễ hội Gò Đống Đa diễn ra sáng 20/2 (mùng 5 Tết), Ban tổ chức cũng tổ chức bãi gửi xe máy, ô tô miễn phí, đảm bảo an toàn phương tiện, tạo sự vui vẻ cho người dân khi đi lễ hội.

Bắc Giang: Gần Tết đào móng xây nhà, bất ngờ phát hiện chum tiền cổ 200 năm tuổi(VietQ.vn) - Gần Tết, một gia đình ở Bắc Giang bất ngờ đào được một chum tiền cổ có niên đại khoảng 200 năm trong quá trình đào móng xây nhà.

‘Chặt chém’ khách dịp Tết bị phạt như thế nào?

Theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 149/2016/NĐ-CP), các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Cũng theo Nghị định trên, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết.

Về xử lý vi phạm đối với những vi phạm về giá, Nghị định 109/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) có quy định cụ thể như sau:

Điều 12. Hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ:

1. Phạt tiền từ 500.000  - 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

- Không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật;

- Niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

2. Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần; tái phạm;

- Niêm yết giá không đúng giá cụ thể hoặc không nằm trong khung giá hoặc cao hơn mức giá tối đa hoặc thấp hơn mức giá tối thiểu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

3. Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.

Trong khi đó, theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tăng giá hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý như sau:

- Phạt tiền từ 01 - 60 triệu đồng đối với hành vi: Tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá đăng ký hoặc kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện đăng ký lại, kê khai lại mức giá. Mức tiền phạt phụ thuộc vào giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

- Phạt tiền từ 25 - 55 triệu đồng đối với hành vi: Tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý khi kiểm tra yếu tố hình thành giá theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Với những lỗi vi phạm trên, ngoài bị phạt hành chính, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Minh Trần (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang