Bao nhiêu người tại Việt Nam đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca?

author 06:43 09/04/2021

(VietQ.vn) - Tính đến ngày 8/4, đã có hơn 55.000 người ở Việt Nam được tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và hiện đều an toàn.

Vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh. Vaccine này đã được cấp phép sử dụng tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, là 1 trong 3 vaccine được WHO thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Ở nước ta, từ ngày 8/3, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca chính thức được tiêm chủng và cho đến nay đã tiêm cho 55.151 người tại 19 tỉnh, thành phố.

Trong quá trình tiêm, hệ thống giám sát tiêm chủng tại Việt Nam đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1-2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng COVID-19, mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…

Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng một phần nghìn trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm và được xử trí đúng theo quy định. Sức khỏe của những người này đều đã ổn định và trở lại đi làm sau 1-2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế.

Theo Bộ Y tế, những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong 1 tháng ​qua thấp tương đương so với những số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến. Đó là công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.

Ảnh minh họa 

Tất cả những người tiêm đều phải được thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng. Sau khi tiêm, họ phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm. Công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng cũng luôn sẵn sàng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm chủng.

Bên cạnh quá trình tiêm, thông tin tiêm chủng của người tiêm cũng được cập nhật, lưu trữ trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử, tiến tới quản lý và cấp chứng nhận điện tử tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Việt Nam, kết nối với thế giới.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký quyết định phân bổ vaccine AstraZeneca phòng bệnh COVID-19 đợt 2 cho các địa phương trên cả nước. Vaccine lần này nhập khẩu về Việt Nam từ nguồn tài trợ của Covax.

Việc phân bổ hơn 811.000 liều vaccine AstraZeneca đầu tiên từ nguồn Covax tài trợ về Việt Nam sẽ được phân bổ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và lực lượng công an, quân đội, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.

Trong đó, khu vực miền Bắc tiếp nhận 317.550 liều, khu vực miền Trung tiếp nhận 68.700 liều, khu vực Tây Nguyên tiếp nhận 49.000 liều, khu vực miền Nam tiếp nhận 245.350 liều, lực lượng công an 30.000 liều, lực lượng quân đội tiếp nhận 80.000 liều, Dự án Tiêm chủng mở rộng 20.000 liều, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế 600 liều để kiểm định và lưu mẫu.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực thực hiện tiếp nhận, gửi mẫu kiểm định chất lượng, bảo quản và vận chuyển vaccine ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách để tổ chức triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo quy định.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận vaccine, bảo quản theo quy định và triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận vaccine cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, hoàn thành trước ngày 15/5/2021 (với đối tượng đã tiêm vaccine đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1).

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng theo thẩm quyền quản lý gồm các lực lượng Trung ương và địa phương, hoàn thành trước ngày 15/5 (đối với các đối tượng đã tiêm vaccine đợt 1 thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1).

Dự án Tiêm chủng quốc gia, khu vực, các đơn vị tiếp nhận, sử dụng vaccine chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, báo cáo theo từng nguồn vaccine được phân bổ.

Theo Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra, các nước nhận được vaccine từ Covax sẽ gặp thách thức lớn về hạn sử dụng vaccine AstraZeneca do vaccine này chỉ có hạn 6 tháng kể từ khi sản xuất, nên khi vaccine đến được các quốc gia thì thời gian còn lại không nhiều. Vì vậy, kế hoạch tiêm cần triển khai khẩn trương nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, an toàn, trong đó ưu tiên lực lượng tuyến đầu chống dịch, người trên 60 tuổi, người có bệnh nền…

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang