Bé 5 tuổi suýt đứt lìa một bên tai vì hành động chủ quan này của cha mẹ

author 08:00 07/08/2017

(VietQ.vn) - Bệnh viện Tai Mũi Họng TW vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bé 5 tuổi, ở Thái Bình bị tại nạn nguy hiểm khi đang chơi ở nhà.

Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhi P.Đ.T.D. (5 tuổi, ở Thái Bình) bị tại nạn nguy hiểm khi đang chơi ở nhà. Cháu bé nhập viện trong tình trạng mất máu nặng, với nhiều tổn thương bên tai phải.

Theo gia đình cháu D., khoảng 19h30 phút ngày 31/7, khi đang chơi ở nhà gần bàn uống nước và tủ kính (loại tủ trang trí) thì cháu bị ngã từ ghế salon xuống đất và đập vùng mặt bên phải vào cánh tủ kính, gây vỡ kính và rách da vùng mặt và tai. Ngay sau đó, gia đình đưa cháu vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình sơ cứu, băng ép và chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Bé 5 tuổi suýt đứt lìa một bên tai vì hành động chủ quan này của cha mẹ
Cháu D. suýt bị đứt lìa một bên tai. Hình ảnh sau khi được các bác sĩ phẫu thuật. Ảnh: Khám Phá 

Các bác sỹ cho biết cháu D. bị rách vùng má phải, vành tai đứt gần như hoàn toàn và rách phần mềm sau tai phải.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ nhỏ, người già yếu cần phải chú ý khi sử dụng đồ nội thất, gia dụng cần tránh dùng những vật dụng bằng kính thông thường có độ dầy quá mỏng không an toàn, vì những loại này rất dễ vỡ khi có tác động do va đập hoặc không may bị trượt ngã vào như trường hợp cháu bé trên rất nguy hiểm.

Trước đó, khoảng tháng 1/2016, một người mẹ có tên là Fhrem Phrimboon (người Thái Lan) cũng đã đăng tải câu chuyện tương tự về con gái mình trên Facebook cá nhân để cảnh báo mọi người, chị viết:

"Đêm trước, tôi cho con ngủ một mình trong phòng ngủ, tôi làm việc cho đến 4 giờ sáng rồi mới đi ngủ. Khi tôi vào phòng ngủ và nhìn thấy bé con tội nghiệp của tôi hình như đang có vấn đề. Tôi liền đi bật đèn sáng, tôi thấy có rất nhiều máu trên mặt của con. Máu chảy ra từ mũi của con, và đã phần nào khô lại. Tôi chú ý quan sát, và nhận thấy rằng máu dây ra từ trên nệm cho xuống tới sàn nhà. Có lẽ con tôi đã rơi xuống mặt đất trong khi ngủ, và sau đó bé đã tự leo lên giường trở lại với giấc ngủ. Nhưng bởi vì có rất nhiều máu, tôi e rằng có thể con tôi đang gặp nguy hiểm, vì bé bị thương như vậy nhưng dường như lại đang ngủ rất sâu, kiểu bị hôn mê. Tôi nhanh chóng lái xe đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Trên đường đi, bé nôn mửa một ít. Con tôi được kiểm tra bằng cách siêu âm toàn bộ vùng đầu, chụp XQ. Cuối cùng, thật may là tình trạng của con bé không quá nghiêm trọng".

Bé 5 tuổi suýt đứt lìa một bên tai vì hành động chủ quan này của cha mẹ
Con gái của chị Fhrem Phrimboon. Ảnh: FB cá nhân 

Câu hỏi đặt ra, cha mẹ cần làm gì làm gì nếu em bé ngã từ trên cao xuống?

Ngay lập tức phải kiểm tra xem trẻ có bị bất tỉnh không, nếu có thì có kèm theo dấu hiệu khác hay không và thời gian bất tỉnh trong bao lâu. Có những trẻ sau khi ngã có thể trông ủ rũ hoặc như đang ngủ, hoặc hơi mệt mỏi nhưng sau một thời gian sẽ trở nên lờ đờ hoặc thậm chí bất tỉnh. Bạn cần nhớ, đây là tình trạng cần phải cấp cứu y tế. Nếu trẻ có dấu hiệu bị chấn thương đầu nghiêm trọng, ví dụ như có các dấu hiệu chảy máu có thể nhìn thấy được, hoặc bất tỉnh, bạn nên gọi cấp cứu ngay và tuân theo đầy đủ những hướng dẫn của nhân viên cấp cứu.

Không nên di chuyển trẻ, trừ khi vị trí của trẻ khiến trẻ có nguy cơ gặp thêm nhiều chấn thương khác. Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu nôn mửa hoặc co giật, thì hãy để trẻ nằm nghiêng và đảm bảo giữ cổ của trẻ thật thẳng, điều này sẽ làm hạn chế những dịch nôn mửa trào ngược vào thực quản gây khó thở.

Nếu bạn thấy có chảy máu, hãy tìm cách cầm máu bằng băng gạc hoặc khăn sạch cho đến khi nhân viên y tế đến.

Nếu bạn thấy trẻ vẫn tỉnh táo và không tìm thấy các chấn thương nghiêm trọng thì bạn có thể bế trẻ lên nhẹ nhàng, ôm lấy trẻ và bắt đầu vỗ về để trẻ trấn tĩnh, bớt sợ hãi. Thông thường, việc té ngã có thể sẽ khiến trẻ tỉnh giấc và cảm thấy vô cùng sợ hãi và sẽ khóc thật to. Nhưng đó lại là một dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong khi vỗ về trẻ, bạn hãy tranh thủ quan sát phần đầu của trẻ để tìm xem liệu có tổn thương nào không.

Bé 5 tuổi suýt đứt lìa một bên tai vì hành động chủ quan này của cha mẹ
Ảnh: MarryBaby 

Dấu hiệu cấp cứu khi trẻ bị ngã từ trên cao xuống: 

Kể cả khi trẻ không bị bất tỉnh hoặc không có các chấn thương nghiêm trọng, vẫn có những dấu hiệu bạn nên lưu tâm tới vì đó là những dấu hiệu phải cấp cứu kịp thời, bao gồm:

- Trẻ khóc mãi không ngừng

- Bị sưng phồng ở bất cứ vị trí nào của đầu, đặc biệt là tại các thóp trước, thóp sau

- Liên tục dùng tay cọ xát đầu, mặt

- Buồn ngủ quá mức hoặc lờ đờ, ngủ gà

- Có máu hoặc chất lỏng màu vàng chảy ra từ mũi hoặc tai

- Khóc, kêu the thé khác với bình thường

- Rối loạn, mất thăng bằng hoặc tiếp tục choáng ngã

- Phối hợp hoạt động kém hoặc không giống bình thường

- Đồng tử hai mắt không có cùng kích thước

- Nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng

- Nôn mửa

- Không phản ứng lại khi bạn cưng nựng, nói chuyện hay vỗ vè ôm ấp bé.

Cha mẹ hãy cẩn thận và tuyệt đối không chủ quan, tránh để trẻ nhỏ chơi cạnh các vật cạnh, sắc hay leo trèo lên cao mà không có bảo hộ để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang