Bộ Công an yêu cầu báo cáo vụ Cảnh sát Hải Dương giữ 2 tấn bạch tuộc

author 10:07 10/06/2013

(VietQ.vn) - Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ việc bắt giữ 2 tấn bạch tuộc thối.

Liên quan đến việc Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra, xử lý đối với xe tải biển số 14C- 065.38 chở bạch tuộc vào hồi 23h00 ngày 27/5/2013 tại thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương, chiều ngày 09/6/2013, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương báo cáo đầy đủ, khách quan toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết vụ việc; giao Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra lại toàn bộ vụ việc, làm rõ đúng, sai, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm và nếu sai phạm đó dẫn đến hậu quả thiệt hại thì phải bồi thường.

Kết quả thực hiện báo cáo Bộ trưởng trước ngày 15/6/2013; đồng thời thông tin cho các cơ quan báo chí biết.
 
Trước đó, vào 23g ngày 27/5, cảnh sát môi trường Hải Dương đã tạm giữ hơn 2 tấn bạch tuộc  tại thị xã Chí Linh vì không có giấy kiểm dịch. Đây là số bạch tuộc của hơn 40 chủ hàng khai thác, kinh doanh đang trên đường vận chuyển từ huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh ra Móng Cái, Quảng Ninh tiêu thụ.
 
Ngay trong sáng 28/5, gần chục hộ dân đã bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc để giải quyết và cho rằng công an giữ lô hàng là không đúng các quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng không có biện pháp bảo quản khiến toàn bộ lô hàng hơn 2 tấn bạch tuộc bị hư hỏng, bốc mùi hôi thối, không thể tiêu thụ được nữa.
 
Trả lời cho thắc mắc, ai đúng ai sai trong vụ tạm giữ 2 tấn bạch tuộc, ông Đỗ Huy Long Phó phòng Thanh tra, pháp chế - Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) nói: “Cần phải dựa vào hồ sơ vụ việc mới có thể nói ai đúng ai sai, tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định lô hàng này từ TPHCM hay là hàng nhập lậu và cũng chưa thể khẳng định đây là thủy sản thương phẩm hay thủy sản giống”.
 
Nhưng ông Long cũng khẳng định: “Trong trường hợp bình thường, không thuộc hai đối tượng phải kiểm dịch đã nêu ở trên thì có thể vận chuyển bình thường mà không cần giấy tờ gì cả. Nếu là sản phẩm thủy sản thương phẩm lưu thông trong nước và không ở vùng có dịch bệnh, thì cơ quan chức năng không thể bắt giữ lô hàng này được”. 
 
“Còn ở các trường hợp khác, việc vận chuyển thủy sản phải theo quy định tại điều 3, Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT, ngày 20-2-2010 của Bộ NN-PTNT” -

Thượng tá Nguyễn Trọng Thái, phó trưởng Phòng cảnh sát môi trường tỉnh Hải Dương, cho rằng, họ không tạm giữ mà chỉ yêu cầu đưa hàng về kiểm tra. Sau đó, phát hiện đây là hàng thủy sản lưu thông không có giấy kiểm dịch, chúng tôi lại không có đủ cơ sở vật chất để bảo quản nên đã yêu cầu lái xe phối hợp với chủ hàng đưa hàng quay lại làm giấy kiểm dịch. Chúng tôi chỉ kiểm tra trong khoảng hai giờ và trả xe, trả hàng vào lúc 1g15 ngày 28-5, khi trả xe chúng tôi đã có biên bản. Vậy trách nhiệm bảo quản hàng là của lái xe.

Mai Tuân - Long Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang