Bộ NN&PTNT: Ngư dân miền Trung đã được phép khai thác hải sản

author 18:44 27/08/2016

(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định đến thời điểm này ngư dân miền Trung được phép khai thác hải sản bình thường.

Mặc dù có ý kiến trái chiều, nhưng tại Hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản tổ chức ngày 27.8 tại Huế, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định đến thời điểm này ngư dân được phép khai thác hải sản bình thường.

Thay mặt Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Ngọc Oai – Phó Tổng cục Trưởng Tổng Cục Thủy sản – nêu 4 phương án khai thác hải sản để các tỉnh từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên – Huế cùng bàn bạc, lựa chọn tại Hội nghị.

Bộ NN&PTNT khẳng định ngư dân 4 tỉnh miền Trung được phép khai thác hải sản bình thường. Ảnh: Đ.K

Theo đó, phương án: Cấm ngư dân khai thác hải sản tại vùng biển từ 10 hải lý trở vào bờ kéo dài từ Vũng Áng đến hết hòn Sơn Chà (Thừa Thiên- Huế) và tăng cường công tác giảm sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ.

Và phương án cho phép ngư dân khai thác bình thương, nhưng cấm ba vùng biển như Bộ TN&MT khuyến cáo, cách bờ từ 1,5km thuộc cảng Sơn Dương – Hà Tĩnh với diện tích 300km2, Nhật Lệ - Quảng Bình với diện tích 330km2, hòn Sơn Chà (Thừa Thiên – Huế) với diện tích 160km2… Cả 2 phương án này đều không được các tỉnh lựa chọn.

Phương án: Cho phép ngư dân khai thác bình thường; tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm hải sản khai thác tại các cảng cá, bến cá khi tàu về bờ; cấm nghề khai thác cá ở tầng đáy từ 20 hải lý trở vào tại 4 tỉnh miền Trung được ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Thừa Thiên – Huế và ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - chọn.

Ông Hà Sĩ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - lựa chọn phương án: Cho phép ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản bình thường (Nhưng lưu ý – trong thời gian Bộ TN&MT chưa công bố môi trường hoàn toàn sạch và trở về bình thường; Bộ Y tế chưa công bó hải sản khai thác tại 4 tỉnh miền Trung hoàn toàn an toàn thì các địa phương khuyến cáo, vận động ngư dân chưa nên khai thác nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, hải sản tầng đáy, rạn san hô khu vực vùng bị ảnh hưởng).

Riêng tỉnh Quảng Bình không chọn phương án nào trong 4 phương án nêu trên. Ông Lê Minh Ngân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình – nói: “Việc khai thác được hay không phải hoàn toàn mang tính khoa học. Không phải chúng ta ngồi đây thống nhất phương án rồi về triển khai và liệu phương án đó có thật sự khách quan. Tôi nghĩ chọn phương án nào thì Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Y tế và những cơ quan hàng đầu của Chính phủ công bố và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước nhân dân”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám. Ảnh: D.K

Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- nhận định, phương án về khai thác phức tạp vì liên quan đến sinh kế của người dân, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều vấn đề khác. “Sau Hội nghị này, Bộ NN&PTNT sẽ có hướng dẫn, đề nghị các địa phương theo hướng đồng ý cho ngư dân khai thác bình thường, không phân biệt trên dưới 20 hải lý như trước đây”, ông Tám – nói.

Ông Tám lý giải rằng vào tháng 5, trên cơ sở tham mưu của Bộ NN&PTNT, vùng dưới 20 hải lý chưa thực sự an toàn là để có các chế độ giám sát khác nhau đối với khai thác cũng như lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, kể cả nuôi trồng. “Bây giờ, không lý có lý gì khi Bộ TN&MT công bố biển đã sạch, đã an toàn thì chúng ta lại cấm, lại chia vùng khai thác là không có cơ sở”, ông Tám – nói và cho rằng dù khai thác bình thường nhưng Bộ khuyến cáo với các địa phương và ngư dân chưa nên khai thác ở ba vùng nước xoáy Sơn Dương, cửa sông Nhật Lệ và vùng đảo Sơn Chà. Còn đối với một số nghề khai thác ở tầng đáy, khuyến cáo ngư dân chưa nên khai thác.

“Không dừng lại ở vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham khảo các nhà khoa học, san hô và các hệ sinh thái khác, cũng như các nguồn lợi thủy sản đang phục hồi nên cần được bảo vệ”, ông Tám – cho biết. Ông Tám đồng thời đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát khai thác, lấy mẫu giám sát chất lượng hải sản.

Về trách nhiệm lấy mẫu, giám sát và công bố hải sản khai thác, nuôi trồng có an toàn hay không, trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế. “Bộ Y tế đã có kế hoạch về việc này. Tới đây, các địa phương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế tiếp tục việc lấy mẫu để giúp cho Bộ Y tế công bố sự an toàn của hải sản nói chung. Trên cơ sở thống nhất giữa 2 Bộ, Bộ Y tế sẽ tập trung lấy mẫu 3.900 tấn hải sản tồn kho tại các kho lạnh của 4 tỉnh để phân loại sản phẩm nào an toàn sẽ tổ chức tiêu thụ, không an toàn tiến hành tiêu hủy”, ông Tám cho biết thêm.

Phó Tổng giám đốc trẻ nhất của Vinaphone bất ngờ nghỉ việc(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Văn Hải, Phó tổng giám đốc trẻ nhất của Vinaphone quyết định từ bỏ công việc nhiều người mơ ước.

 Theo báo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang