Bộ trưởng Công thương: Băn khoăn mỗi khi chỉnh giá điện?

author 17:09 11/06/2015

(VietQ.vn) - “Thời gian qua, mỗi khi đứng trước việc cần điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, chúng tôi hết sức băn khoăn”.

Trước câu hỏi chất vấn về giá điện của các Đại biểu Quốc hội trong phần đăng đàn chiều nay 11/6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Việc điều chỉnh giá điện vừa qua là có ý kiến của 4 Bộ, không riêng Công thương.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đưa ra thắc mắc gửi cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Ở nước ta, điện luôn tăng giá. Vì sao?

Giải thích lần tăng giá 7,5% vừa mới đây, Bộ trưởng Hoàng cho biết: Ngược về trước, tháng 8/2013 giá điện được điều chỉnh; sáng cả năm 2014, mặt hàng này giữ nguyên giá. Mới đây, đến tháng 3/2015 mới điều chỉnh tăng thêm 7,5%. Việc điều chỉnh này đều đã nằm trong chủ trương, do yếu tố đầu vào tăng như giá nhiên liệu…. Trong khi đó, các yếu tố khác như chi phí khấu hao, năng suất lao động không được đưa vào tăng giá điện. 

Bộ trưởng Công thương: Rất băn khoăn mỗi khi chỉnh giá điện

Đợt tăng giá điện vừa qua có sự tham mưu của 4 Bộ. Ảnh minh họa

Mặt khác, thủy điện và nhiệt điện hiện nay chiếm 80% sản lượng điện cả nước, khi tỷ lệ này thay đổi cũng ảnh hưởng đến giá điện. 

“Vừa qua, ngành điện đề nghị 3 phương án tăng giá điện: 9,5%, 12% và 7,5%. Lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng CP, ngoài Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, còn có tham mưu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, tức việc điều chỉnh giá điện có ý kiến của 4 Bộ”.”, Tư lệnh ngành Công thương lên tiếng.

Về chất vấn của Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) liên quan đến giải pháp nào điều hành xăng dầu hiện nay sang cơ chế thị trường như các nước trong khu vực, Bộ trưởng Hoàng cho biết: Trước đây, chúng ta duy trì cơ chế bao cấp, từ năm 2014 mới bắt đầu giá bán cao hơn giá thành, hiện nay chưa phải là giá thị trường.

Giá điện, xăng dầu, vật tư tăng cao làm người dân khó khăn, bổ nó là loại hàng hóa đặc biệt nên bất cứ biến động nào dù nhỏ đều ít nhiều tác động đến người dân. “Tuy nhiên, chúng ta nhất quán chủ trương cơ chế giá thị trường có sự quản lý của nhà nước đối với hai mặt hàng này”, bộ trưởng Hoàng nói.

“Thời gian qua, mỗi khi đứng trước việc cần điều chỉnh giá, nhất là giá điện, với trách nhiệm là cơ quan chủ trì phối hợp Bộ Tài chính, chúng tôi hết sức băn khoăn. Vì thế, trong tính toán chúng tôi rất cẩn trọng để vừa đáp ứng điều chỉnh giá điện theo lộ trình, nhưng giảm mức tối đa tác động ảnh hưởng đến đời sống người dân”, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng chia sẻ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang lời Bộ trưởng Hoàng, “phải chăng thời kỳ bao cấp giá điện quá dài? Bộ trưởng nói phải tăng theo lộ trình, vậy thì càng theo lộ trình thì điệp khúc càng dài?”.

Đáp lại lời của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Huy Hoàng cho biết, “tới năm 2016 giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường”.

Chưa hài lòng với phần câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng, ĐB Sỹ Cương chất vấn lại. ĐB Cương đề nghị, vị trưởng ngành Công Thương cho biết bao giờ bỏ được độc quyền trong kinh doanh giá điện, vì còn giữ được độc quyền thì giá điện còn tăng mãi. 

Đáp lại, Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm, năm 2016 giá điện sẽ theo thị trường nhưng lộ trình giá bán lẻ cạnh tranh đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, năm 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; 2016 thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ 2021 thực hiện bán lẻ điện cạn tranh. 

“Lúc đó, tức tới năm 2016, giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn phù hợp với khả năng của mình”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang