Bộ TT&TT: Xây dựng Sách Trắng CNTT-TT năm 2019 với các nội dung, số liệu mới

author 15:54 23/01/2019

(VietQ.vn) - Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2018 là nguồn số liệu thống kê phản ánh hiện trạng phát triển của các lĩnh vực: công nghiệp CNTT, viễn thông, Internet, an toàn thông tin…

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Bộ TT&TT cho biết, Sách Trắng CNTT-TT 2019 sẽ được xây dựng với các nội dung, số liệu mới, thể hiện được vai trò của Bộ là nền tảng để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, Bộ cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 là rà soát hệ thống chỉ tiêu Sách Trắng trong các lĩnh vực để đảm bảo yêu cầu quản lý của Bộ, phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống KPI của Bộ và các báo cáo của tổ chức quốc tế.

 Sách Trắng CNTT-TT 2019 sẽ được xây dựng với các nội dung, số liệu mới. Ảnh minh họa

Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2018 là nguồn số liệu thống kê chính thức của Bộ TT&TT phản ánh hiện trạng phát triển của ngành tính đến ngày 31/12/2017, bao gồm các lĩnh vực công nghiệp CNTT, viễn thông, Internet, ứng dụng CNTT, an toàn thông tin (ATTT), phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính. Đây cũng là ấn phẩm thể hiện xu thế phát triển của ngành trong những năm gần đây.

Cụ thể, theo Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2018, về Công nghiệp CNTT, năm 2017, tổng số doanh nghiệp phần cứng, điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT là 28.424 doanh nghiệp, tăng 16% so với năm 2016). Tổng doanh thu công nghiệp CNTT đạt 91,6 tỷ USD, tăng khoảng 35,3% so với năm 2016; trong đó công nghiệp phần cứng, điện tử đạt 81,6 tỷ USD, phần mềm 3,8 tỷ USD, dịch vụ CNTT 5,4 tỷ USD và nội dung số 800 triệu USD, xuất khẩu 78,971 tỷ USD. Có 2 nhóm mặt hàng CNTT (điện thoại di động và máy tính, linh kiện điện tử) thuộc 3 nhóm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2017.

 
Về viễn thông, Internet, năm 2017, cả nước có 73 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất (giảm 01 so với 2016), 06 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất (tăng 01 so với năm 2016) và 61 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet băng rộng cố định đang hoạt động. Số thuê bao truy nhập Internet băng rộng cố định tăng hơn 2 triệu thuê bao (11.269.936 năm 2017 so với 9.098.288 năm 2016), tỷ lệ thuê bao băng rộng di động mặt đất (3G, 4G)/100 dân tăng (47,9 năm 2017 so với 39 năm 2016). Số người sử dụng Internet/100 dân tăng từ 54,19 năm 2016 lên 58,14 năm 2017. Tỷ lệ dân số được phủ sóng di động 2G, 3G, 4G đạt 99,5%. Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2017 có dấu hiệu sụt giảm sau một thời gian dài tăng trưởng liên tục, đạt 131.844 tỷ đồng (gần 97% so với năm 2016).
 

Với ứng dụng CNTT, số liệu Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2018 cho thấy, đến cuối tháng 12/2017, 100% số máy tính trang bị cho cán bộ, công chức cấp Bộ, cấp tỉnh được kết nối Internet băng rộng và 92,86% các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã triển khai mạng WAN, trong đó đã kết nối với 84% số đơn vị trực thuộc; 96,13% cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 92,71% cán bộ, công chức tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công việc. 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị chuyên trách về CNTT.

Trên quy mô quốc gia, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai, kết nối đến cấp sở/ngành, quận/huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến năm 2017 là 173.463 dịch vụ, tăng 58,2% so với năm 2016; trong đó dịch vụ công mức 3 là 20.810 dịch vụ, tăng 91,4% so với năm 2016, dịch vụ công mức 4 là 3.311 dịch vụ, tăng 140% so với năm 2016.

Đối với lĩnh vực ATTT, năm 2017, số doanh nghiệp đầu tư phần mềm chống virus đạt 68,3%, tường lửa đạt 63,5%; trên 45% doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo mật cho mạng không dây; tỷ lệ các tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng chữ ký số để bảo đảm ATTT cho các giao dịch điện tử đạt 74,5%, tăng 20,5% so với năm 2016.

Về phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cũng theo số liệu tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2018, năm 2017, cả nước có 87 kênh phát thanh, tăng 1 so với 2016, trong đó có 1 kênh phát thanh tiếng dân tộc (VOV4); 187 kênh truyền hình, tăng 06 so với 2016, trong đó có 02 kênh kênh truyền hình tiếng dân tộc (VTV5, THAG2). Phủ sóng phát thanh đạt trên 98% diện tích cả nước và phủ sóng truyền hình mặt đất đạt trên 90% diện tích cả nước. Cả nước có 2 đơn vị, doanh nghiệp truyền hình quảng bá và 33 đơn vị, doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Hệ thống truyền hình trả tiền có 83 kênh với 13,8 triệu thuê bao, đạt doanh thu năm 2017 đạt 7.819 tỷ đồng, tăng 4,27% so với năm 2016.

Còn với lĩnh vực Bưu chính, năm 2017, cả nước có 315 doanh nghiệp hoạt động bưu chính (tăng 67 doanh nghiệp so với năm 2016); mạng lưới bưu chính công cộng được mở rộng với 12.421 điểm phục vụ; bán kính phục vụ bình quân 2,92 km/điểm, đảm bảo mỗi xã có tối thiểu 01 điểm phục vụ và số dân phục vụ bình quân đạt 7.541 người/điểm.

Bộ TT&TT cũng chỉ rõ những khó khăn như: hiện chưa có cơ sở dữ liệu (CSDL) chung của gành nên việc thu thập, tổng hợp cũng như công tác thống kê số liệu của Bộ chưa tập trung, nhiều đầu mối, số liệu chưa thống nhất, đồng bộ; chưa có chế tài rõ ràng về chế độ báo cáo thống kê trong lĩnh vực CNTT. Chưa có quy tắc chia sẻ số liệu chính thức giữa Bộ TTTT và các Bộ, ngành khác nên việc cung cấp số liệu không ổn định, mang tính sự vụ nên mất nhiều thời gian.

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ TT&TT dự kiến thời gian tới sẽ triển khai một số giải pháp, đó là: xây dựng cơ chế về chia sẻ thông tin số liệu với Tổng cục Thống kê, Tổng cục Thuế, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH... ; xây dựng chế tài báo cáo thống kê trong lĩnh vực CNTT: Xây dựng thông tư quy định về chế độ báo cáo trong lĩnh vực CNTT; đồng thời xây dựng CSDL của ngành.

Tuệ Tĩnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang