Buộc chụp ảnh khi đăng ký thuê bao di động: Đại biểu Quốc hội nói gì?

authorĐỗ Thu Thoan 09:04 22/06/2017

(VietQ.vn) - Khi đăng ký thuê bao di động, người sử dụng sẽ buộc phải chụp ảnh chân dung, yêu cầu này là bắt buộc với cả thuê bao đăng ký mới và thuê bao đang hoạt động.

Bên hành lang Quốc hội, sáng 20/6, trao đổi với Zing, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng quy định chụp ảnh khi đăng ký sử dụng SIM là động chạm đến quyền lợi người dân.  

Ông Nhưỡng cho rằng mỗi chiếc SIM khi đăng ký đều khai báo tên tuổi, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó Luật Viễn thông không quy định nhưng nghị định lại bắt người dân chụp ảnh. Theo ông, không thể có quy định trên luật được.

Cũng theo vị đại biểu, để loại bỏ SIM rác ra khỏi đời sống là cần thiết, tuy nhiên, cần có quy định để tạo điều kiện cho người dân chấp hành. Ông Nhưỡng tính toán, nếu mỗi người đi chụp ảnh để làm SIM điện thoại hết 20.000 đồng, với hàng chục triệu thuê bao di động thì rất tốn kém.

buoc-chup-anh-khi-dang-ky-thue-bao-di-dong-dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí. Ảnh: Thắng Quang/Zing

Cũng theo Zing, chia sẻ quan điểm, đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội), Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng quy định chụp ảnh đối với đăng ký SIM mới và chưa rõ ràng về thông tin danh tính phù hợp và cần thiết để quản lý và xử lý SIM rác. Tuy nhiên, ông cho rằng với quy định này Bộ Thông tin và Truyền thông, nhà mạng phải có trách nhiệm, quy trình quản lý thông tin, đảm bảo thông tin bí mật của khách hàng.

Với những SIM cũ đã thông tin có rõ ràng rồi thì không cần thiết phải chụp ảnh nữa. Không phải máy móc mà thực hiện rà soát lại toàn bộ vì đã bắt buộc đăng ký theo chứng minh thư, ông Chiến cho hay.

Trước đó, như Tuổi trẻ đưa tin, theo nghị định 49/2017 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông, ngoài những thông tin hiện hành, người dùng di động phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo).

Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu. 30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Tuy nhiên, khi triển khai nghị định này vào thực tế đã vấp phải sự phản ứng của các chủ thuê bao vì bị "làm khó" đồng thời các nhà mạng cũng than trời vì phải đầu tư thêm vật tư, nhân lực, Tuổi trẻ thông tin.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang