Cái đích của chúng ta là hòa bình, không phải chiến tranh

author 05:43 16/05/2014

Hãy hiểu cái giá của hòa bình đắt đến nhường nào, để đừng biến lòng yêu nước của mình thành mù quáng bằng hành động phá hoại.

Bất cứ người dân nào cũng sục sôi bất bình trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, đe dọa sự bình yên của vùng biển, vùng trời mà cha ông phải đổi bằng máu xương bao đời gìn giữ.

Mù quáng


Những ngày này, cả thế giới lại hướng về Việt Nam, khi sau hơn 30 năm bước ra khỏi chiến tranh, dải đất nhỏ bé nhưng kiên cường đứng trước những thử thách liên quan đến vận mệnh dân tộc.

Khắp ba miền, những cuộc diễu hành phản đối trong ôn hòa diễn ra trên mỗi nẻo đường góc phố, thể hiện chính kiến của nhân dân trước hành động ngang ngược của đất nước láng giềng, cũng như niềm mong mỏi được sống trong hoà bình và nhân ái.

Hành động xuống đường với những băng rôn, biểu ngữ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước, trả lại sự bình yên cho vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam trên biển bằng cả ba ngôn ngữ Việt Nam, Trung Quốc và tiếng Anh ấy như lời nhắn gửi đến nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, về niềm tin công lý và thức tỉnh sự hung hăng bạo ngược của một ‘nước lớn’.

Vận nước đứng trước sự thử thách, cả dân tộc lại cùng nắm tay nhau chung một lòng hướng về biển lớn. 

Đừng biến thành lòng yêu nước mù quáng 

Thế nhưng, đi ngược lại với thiện chí hòa bình của toàn dân tộc, là sự bột phát của hàng nghìn công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai với hành động đập phá, đốt nhà xưởng, phá hoại tài sản các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, không còn sự phân biệt đâu là bạn, đâu là thù.

Hành động ấy, những tưởng là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước, nhưng khi phá hoại chính những nỗ lực giải quyết bất ổn trong hòa bình, gạt đi những cơ hội đầu tư kinh tế và đập vỡ ‘nồi cơm’ của chính mình,  đã trở thành lòng yêu nước mù quáng.

Đành rằng, ‘mỗi tấc biển cắt rời vạn tấc đất đớn đau’, biển lớn đang nổi sóng, nhưng lòng trong chưa yên, sao nghĩ đến việc đối phó giặc ngoài? 

Trong suốt lịch sử nhân loại, không có cuộc biểu tình bạo động phá hoại và đổ máu nào lại mang đến những kết quả tích cực.

Chiến tranh đã cướp đi của Mẹ Thứ 11 người con, cháu yêu thương 

Chính Trung Quốc đã phải cay đắng thừa nhận, trong cuộc đại cách mạng văn hóa kéo dài suốt 10 năm ròng rã, vô số những cuộc biểu tình bạo lực, đi kèm với đập phá, đổ máu đã kéo đất nước họ đi lùi lại bằng hàng thế kỷ. Nền văn học thương tích vẫn còn nhắc lại giai đoạn này như một vết thương chưa lành của lịch sử Trung Quốc.

Ngược lại, ở phía bên kia chiến tuyến, vào năm 1969, khi Mỹ thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đẩy dải đất nhỏ bé của chúng ta chìm trong khói lửa ly tán, thì chính dân chúng Mỹ đã xuống đường trong hòa bình, với mong muốn hòa bình.

Ngày 15/10/1969, hơn 2 triệu người Mỹ đã tập trung tại Washington để phản đối việc Mỹ can thiệp vào chiến tranh tại Việt Nam. Cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử quốc gia này đã khiến ngày này trở thành ngày khó quên trong lịch sử nước Mỹ khi toàn bộ chính quyền im lặng trước sức mạnh của lòng yêu chuộng hòa bình.

Nói vậy để thấy, thông điệp hòa bình, hà cớ gì lại được truyền đi bằng hành động bất hòa bình và bạo lực? Lòng yêu nước, sao không để dành khi Tổ quốc gọi tên, mà lại biến nó thành sự mù quáng?

Cái giá của hòa bình

Thời khắc 30/4/1975 có lẽ đã trở thành khúc khải hoàn đáng nhớ nhất lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ước vọng hòa bình, non sông nối liền một dải thành hiện thực kể từ giây phút ấy.

Nhưng để có được ngày độc lập, là những năm tháng trường chinh cả dân tộc hành quân ra trận, cái giá của hòa bình được đổi bằng máu xương của chính cha ông và bao thế hệ đi trước.

Nhìn người mẹ khóc khi đón con trai - người tử tù Côn Đảo trở về mới thấy cái giá của hòa bình đắt đến nhường nào.

Ở đất nước mà ‘ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt, tuổi trẻ chơi lau chỉ chơi trò đánh giặc’, có ai, không hiểu hết giá trị của hòa bình chúng ta mới được hưởng chưa tròn nửa thế kỷ.

Ngay đến những ngày hiện tại, câu chuyện chiến tranh vẫn còn đắng đót xót lòng mỗi khi đi qua những miền đất mà chỉ thấy nghĩa trang liệt sỹ trải dài ngút tầm mắt, nơi mà đâu đâu cũng thấy biển báo ‘có bom mìn’ chưa gỡ hết, mỗi năm cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội. Máu vẫn đổ ngay cả trong thời bình.

Ai đã đến thăm làng trẻ Hòa Bình, bật khóc khi chứng kiến những di chứng kinh hoàng của chiến tranh, bao số phận phải chung sống với chất độc màu da cam trong dị tật và đau đớn mới hiểu hết, chiến tranh khốc liệt đến nhường nào.

Có ai tự hỏi, lý do khiến Việt Nam vẫn bị xếp vào top những nước nghèo nhất trên thế giới, có phải bởi hậu quả của những thế kỷ dài chiến tranh dai dẳng và triền miên?

Thế mới thấy, cái giá của hòa bình trên đất nước này lớn đến nhường nào.

Ai đã một lần đọc cuốn nhật ký của cô bé 13 tuổi Anne Frank từng làm chấn động cả thế giới hẳn còn nhớ câu hỏi mà chưa bao giờ nhân loại đưa ra câu trả lời thuyết phục: Tại sao lại có chiến tranh? Tại sao, và tại sao, tại sao con người không thể sống với nhau một cách hoà bình?

Những câu hỏi của cô bé trốn cùng gia đình trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Hà Lan sau đó chết vì bệnh sốt phát ban trong trại tập trung đã tác động sâu sắc tới lương tri của hàng triệu lòng nhân ái trên toàn thế giới.

Rõ ràng, chiến tranh là điều hết sức khủng khiếp, dù là bên thắng, hay thua cuộc. Nói như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước khi trả lời VTC News, cái đích của chúng ta là hòa bình, không phải chiến tranh. Hiểu về cái giá của hòa bình, để thấy, đừng biến lòng yêu nước thiêng liêng thành mù quáng. 

Theo VTC


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang