Cẩn trọng với mua hàng đa cấp

author 19:50 15/05/2012

Mô hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đang bị nghi ngờ và đánh đồng với nhiều hình thức lừa đảo kiểu "hình tháp ảo". Nguyên nhân được cho là do các công ty núp bóng phân phối ăn chia lợi nhuận rồi đội giá thị trường.

Từ mô hình kinh doanh lí tưởng

Bán hàng đa cấp là một phương thức tiếp thị sản phẩm và bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không phải thông qua các đại lí hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này tiết kiệm rất nhiều chi phí từ sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa, khuyến mại, quảng cáo và các chương trình tiếp thị khác. Số tiền này, thay vào đó, được dùng để trả cho nhà phân phối, nhân viên phân phối theo mức chiết khấu hoa hồng của sản phẩm. 
 
Mô hình kinh doanh đa cấp đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam khoảng 10 năm. Mặc dù phải đến năm 2006 mới được công nhận chính thức sau sự kiện công ty Sinh Lợi nhận được giấy phép kinh doanh đa cấp, nhưng đến nay mô hình này đã có bước phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Theo báo cáo của Cục quản lí cạnh tranh (Bộ Công thương), tính đến nay toàn quốc đã có 67 doanh nghiệp được cấp giấy đăng kí tổ chức bán hàng đa cấp. Tuy ít ỏi về mặt số lượng nhưng doanh thu mà thị trường này đạt được khá lớn và mức tăng trưởng cũng rất cao. 
 
Mô hình kinh doanh đa cấp ở trong nước đang bị biến tướng
Mô hình kinh doanh đa cấp ở Việt Nam đang bị biến tướng
Như vậy, bản chất của kinh doanh đa cấp không phải là lừa đảo, nhưng khi vào Việt Nam nó bị méo mó và biến tướng thành hình thức bán hàng kiểu “hình tháp ảo”. Mô hình bán hàng lừa đảo này không còn vận hành đúng theo nguyên tắc của phương thức kinh doanh đa cấp. Hoạt động bán hàng biến tướng, không lấy lợi nhuận từ giới thiệu và bán trực tiếp sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới. 
 
Khi đó, các công ty đa cấp “hình tháp ảo”, những người khởi xướng và phát động hệ thống nằm ở đỉnh “tháp” sẽ lợi dụng và bóc lột những thành viên tầng dưới để “bỏ túi” lợi nhuận. Đặc điểm của hình thức kinh doanh này đòi hỏi nhân viên phải tìm cách lôi kéo được thật nhiều người tham gia vào hệ thống của mình theo kiểu “tuyển được người mới có thu nhập”. Vì thế, khi đã lỡ tham gia, hầu hết nhân viên luôn tìm cách tiếp cận lôi kéo người thân, bạn bè, đồng nghiệp... 
 
Bạn Thuý Hoà - Sinh viên Đại học Thương mại, cho biết cách đây hai năm, bạn có tham gia bán hàng đa cấp cho công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (Hà Nội). Ngay buổi đầu tiên có mặt tại công ty, Hoà cũng như rất nhiều sinh viên khác được tham gia một buổi thuyết trình với những viễn cảnh rất tươi đẹp về ngành nghề mới có tên kinh doanh đa cấp, có mức lương vài chục triệu trong tầm tay.
 
Tuy nhiên, để trở thành nhân viên của công ty, mỗi người phải mua sản phẩm máy lọc ozone với giá 2 triệu đồng. Nếu mỗi thành viên tiếp tục lôi kéo được thêm người khác tham gia sẽ được trả hoa hồng 400.000 đồng/người. Nếu phát triển được thành “chuỗi” thành viên, người đứng đầu sẽ càng được chia phần trăm hoa hồng lớn hơn. Do đó, rất nhiều sinh viên bị cuốn vào “vòng xoáy bán hàng đa cấp”, vừa phải vay mượn bạn bè đóng tiền cho công ty rồi lại phải dụ dỗ người khác tham gia cùng để ăn hoa hồng. 
 
Việc nhiều người tham gia không thực hiện đúng phương thức kinh doanh cũng khiến cho mô hình đa cấp chân chính bị đánh đồng với “lừa đảo”.
 
Chị Thanh Nguyên, một trong những người có vị trí “kim cương” (đứng đầu một chuỗi mạng lưới và bán được nhiều sản phẩm) của hãng Amway, cho biết để tăng thêm lợi nhuận, một số nhân viên tham gia bán hàng cũng tự ý ôm hàng, phá vỡ qui tắc bán hàng. Sau đó, để nhanh chóng bán được số hàng đã “đầu cơ”, các nhân viên này tự ý thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng thành thuốc chữa bách bệnh hoặc nâng giá để ăn chênh lệch, khiến người tiêu dùng mất lòng tin vào công ty đa cấp. 
 
Bán sản phẩm “ảo”, lợi nhuận “nhị nhân”
 
Trang web bán hàng trực tuyến muaban24.vn do Công ty Cổ phần đào tạo mua bán trực tuyến (Hà Nội) xây dựng hoàn toàn không giống như các chợ online. Theo qui định của trang web, để trở thành thành viên của muaban24.vn, mỗi người cần đăng kí một gian hàng và đóng phí hơn 5 triệu đồng cho gian hàng “ảo” của mình. 
 
Quyền lợi của các thành viên sẽ là “giảm 7% mệnh giá các thẻ nạp điện thoại”, hay mua thắt lưng da chân lạc đà, đà điểu giảm đến 50%... Hơn nữa, khi đã có một gian hàng, thành viên nào lôi kéo thêm được hai người tham gia và trở thành “cấp dưới” của mình sẽ nhận được “tiền thưởng” 1.500.000 đồng của công ty. 
 
Khi tham gia hệ thống và mời được nhiều người tham gia dưới mình, người mua sẽ hưởng lợi nhuận theo “sơ đồ nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Mỗi người tham gia sẽ có hai nhánh, từ hai nhánh này phát triển thành các nhánh con, ở giữa có đường kẻ dọc gọi là trục đối xứng; nếu mỗi bên phát triển được 99 gian hàng sẽ đạt 198 gian hàng, trở thành VIP.
Công an Hà Nội từng triệt phá một đường dây kinh doanh đa cấp lừa đảo với quy mô lớn
Công an Hà Nội từng triệt phá một đường dây kinh doanh đa cấp lừa đảo quy mô lớn
 
Nếu có đủ 198 gian hàng, thành viên sẽ lên cấp quan trọng VIP và được tặng 80 triệu đồng cùng nhiều ưu đãi, chiết khấu % khác. Như vậy, chỉ cần dựa vào một gian hàng “ảo” trống không, chưa hề buôn bán bất cứ sản phẩm nào, thành viên cũng sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc tạo dựng được mạng lưới “cấp dưới”. 
 
Một thành viên của trang web muaban24.vn cho biết: “Hoa mắt vì siêu lợi nhuận, tôi đã phải vay tiền bạn bè để mua một gian hàng. Nhưng sau một thời gian tham gia, nhận thấy mô hình hoạt động có dấu hiệu lừa đảo, tôi xin rút lại số tiền đăng kí thì công ty từ chối không trả”.
 
Giám đốc công ty này phân tích, 10% số tiền trên phải nộp lại cho văn phòng là phí duy trì dịch vụ, 3% phí đào tạo và tổ chức các buổi hội thảo, 87 % còn lại đã chia hết cho các thành viên lên được cấp VIP. Khi nộp số tiền trên thành viên cũng không có giấy chứng nhận, nên nếu muốn kiện công ty cũng rất khó.
 
Chế tài xử lí, “chiếc áo đã quá chật”
 
Cục Quản lí cạnh tranh cho biết, bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh phức tạp, dễ phát sinh những biến tướng, vi phạm, gây mất ổn định môi trường kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng. 
 
Trên thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu và số lượng người tham gia trong toàn ngành bán hàng đa cấp chỉ đạt 10-15%; trong khi đó, tại Việt Nam những năm qua, tốc độ tăng trưởng về doanh thu và số lượng người tham gia đạt từ 120-150%, cá biệt có doanh nghiệp đạt đến 200%. 
 
Tuy bán hàng đa cấp ở Việt Nam phát triển nhanh chóng nhưng lại thiếu bền vững. Ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng chính sự phát triển quá nhanh khiến công tác quản lý hình thức bán hàng còn mới mẻ này ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề con người, tạo không ít bức xúc trong dư luận, gây bất ổn môi trường kinh doanh và thiệt hại cho người tiêu dùng.
 
Trong đó, các vi phạm phổ biến nhất là hàng hoá không đảm bảo chất lượng, thông tin sai lệch về tính năng, thổi phồng công dụng sản phẩm. Hoặc để phát triển mạng lưới phân phối, các doanh nghiệp quy định mức tiền thưởng, tiền hoa hồng cao nên để đủ chi phí trả cho nhà phân phối, doanh nghiệp nâng mức giá bán cao gấp nhiều lần so với giá thực tế. 
 
Tuy nhiên, do qui định của pháp luật còn một số điểm chưa hoàn thiện, các yêu cầu thực hiện thủ tục đăng kí chưa rõ ràng; thiếu qui định điều chỉnh về phương thức kinh doanh đa cấp đối với dịch vụ... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lí và xử phạt đối với những sai phạm. Do đó, để quản lí chặt chẽ phương thức bán hàng đa cấp, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm một số quy định cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
 
 
Lưu Phương
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang