Phù phép dầu nhớt thải thành dầu xịn như thế nào? (kỳ 2)

authorNhóm PV 06:04 07/08/2016

(VietQ.vn) - Bài trước nhóm phóng viên Chất lượng Việt Nam đã nêu "Dầu nhớt thải từ cửa hàng sửa xe đang đi đâu", trong bài này độc giả sẽ thấy rõ điều đó.

Sự kiện: Cảnh báo dầu nhớt kém chất lượng

Dầu nhớt thải về đâu?

Theo chân những người hàng ngày rong ruổi trên các tuyến đường của Thủ đô để thu gom dầu nhớt thải, PV được biết, chúng được đưa về làng Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội).

Ngay từ đầu làng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều những thùng phuy chứa dầu để hai bên đường. Theo tìm hiểu của PV, sau khi thu gom dầu nhớt thải tại các cửa hàng sửa xe, những người thu mua nơi đây cho vào các thùng phuy lớn bán với giá 200.000 đồng/ thùng.

Việc thu mua dầu nhớt thải tại đây diễn ra công khai và đã gần như trở thành một “làng nghề truyền thống”. Trao đổi với PV, một người dân hành nghề thu gom dầu nhớt thải lâu năm tại Yên Lũng cho biết: Sáng nào anh cũng chở lỉnh kỉnh những chiếc can, thùng bé lên nội thành Hà Nội và các huyện lân cận để thu gom dầu nhớt thải.

Các thùng phuy chứa dầu dễ dàng được nhìn thấy ngay tại nơi tập kết từ đầu làng. Ảnh: Trần Duy

Giá thu mua tại các cửa hàng sửa xe là 2000 đồng/lít. Sau đó về đổ vào các thùng phuy ven đường làng bán lại cho các “cò” dầu nhớt với giá 200.000 đồng/thùng phuy. Một ngày hai chuyến cũng kiếm được khoảng 400.000 đồng.

Cũng theo người đàn ông này, khoảng độ 5 năm trở lại đây, người dân trong thôn Yên Lũng chủ yếu sống bằng nguồn thu nhập chính là thu mua dầu nhớt thải sau đó về bán lại để nhận mức giá chênh lệch.

Qua tìm hiểu, PV được biết, sau khi thu mua dầu nhớt thải của những người dân Yên Lũng với giá 200.000 đồng/ thùng phuy thì “cò” dầu bán lại cho các cơ sở tái chế với giá 800.000 đồng/ thùng phuy.

 Một phu dầu đang mang dầu thải về nơi tập kết. Ảnh: Doãn Trung

Ngoài việc thu mua và bán lại dầu nhớt thải thì tại thôn Yên Lũng hiện nay vẫn còn tình trạng người dân tự tái chế bằng hình thức “nấu lại” dầu nhớt thủ công ngay chính tại gia đình mình.

Dầu nhớt thải được “nấu lại” như thế nào ?

Đóng vai là một người mua dầu nhớt đã “nấu lại” chúng tôi được chỉ đến lò nấu dầu nhà anh T (Yên Lũng – An Khánh). Đó là một khu vườn chỉ chừng 30m2, bên trong là những thùng phuy dầu để ngổn ngang.

Trong khu vườn nhỏ này có một dãy nhà được dựng lên, hai gian ngoài dùng để nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà. Còn phía bên trong, 3 gian còn lại là khu “tái chế” dầu thô sơ. Theo quan sát của Phóng viên thì việc tái chế dầu diễn ra công khai hàng ngày với những dụng cụ rất đơn giản. Một chiếc xoong nấu dầu, bếp đất đắp bằng bùn hoặc kê bằng gạch. Nhiên liệu đun là củi, đôi lúc sử dụng bằng than tổ ong nên khói bay đen đặc. Mục sở thị một bếp dầu đang được nấu lại, khó có thể nói được cảm giác của PV.

 Cột khói đen xì được phóng viên ghi lại. Ảnh: Trần Dũng

Khói đen lẫn mùi hôi oi nồng bốc lên xung quanh bếp dầu. Khi mở nắp nồi dầu đang nấu sôi sùng sục là cảnh tượng bọt đen trùm kín, mùi hôi càng nồng nặc và nôn nao khiến PV có cảm giác khó chịu và khó thở. Không đứng quá được 2 phút PV ngay lập tức phải đi ra ngoài.

Ngoài việc thu mua và bán với giá 200.000 đồng/ thùng phuy nhiều người dân nơi đây đã nấu lại và bán cho “cò” dầu thành phẩm với giá 3 – 5 triệu/thùng phuy.

Dầu thành phẩm là loại dầu được “chiết xuất” sau quá trình nấu. Theo đó, dầu thải cho vào nồi nấu khi dầu sôi những cặn bẩn sẽ nổi bọt. Trong quá trình nấu chủ lò dùng dung cụ chuyên dụng hớt hết bọt bẩn sủi lên. Để dầu lắng lại, phần dầu sau nấu có màu vàng trong suốt là dầu thành phẩm. Để thu được dầu thành phẩm thì thời gian nấu dầu từ 2 – 3 giờ đồng hồ và phải vớt bọt liên tục. Dầu thành phẩm sau khi nấu  cũng chia làm nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào độ trong và màu sắc của dầu.

Ngoài những lò nấu dầu thủ công nhỏ lẻ thì nhiều hộ dân nơi đây còn thu mua dầu và thuê địa điểm để nấu trong một khu rừng cách thôn Yên Lũng chừng 30km theo hướng Đại lộ Thăng Long.

Hỏi thăm, PV biết đến ông T – được mệnh danh là ‘trùm tái chế” dầu có tiếng của xã. Theo như ông T, trước đây, ông vẫn nấu dầu ngay tại thôn Yên Lũng nhưng khi khói dầu đen kịt tỏa ra và bốc mùi khó chịu gây hại đến môi trường thì ông thu mua dầu của mọi người và chuyển đến cơ sở nấu dầu tại một địa điểm khác.

Ông T cũng cho biết, hiện tại trong làng vẫn còn một vài người dân nấu dầu với quy mô nhỏ, lẻ chủ yếu nấu bằng xoong bé. Còn cơ sở nấu dầu của ông thì quy mô lớn hơn và sản lượng dầu nấu lại cũng nhiều hơn. Dầu nấu lại sẽ được bán và sử dụng như dầu bình thường.

Điều đặc biệt nữa mà ông T bật mí, nếu muốn mua dầu nhớt đóng chai dùng cho động cơ xe máy, giả các hãng lớn cũng sẽ có nơi cung cấp cho. Đảm bảo người tiêu dùng không bao giờ nhận ra. Và thủ thuật ấy rất đơn giản, không khó khăn gì.

 Bà H lấy mẫu và giải thích cho phóng viên về cách tái chế. Ảnh: Xuân Hiệp

Còn bà H, một chủ cơ sở chế biến dầu khác tại thôn Yên Lũng thật thà nói: Dầu nhớt khi được chế biến lại chuyên đổ buôn cho các tổng công ty hoặc bán cho những người đổ cây xăng.

 “Mình làm giả chả ảnh hưởng gì. Người ta làm giả thực phẩm mới tội lỗi chứ làm giả dầu chỉ giảm tuổi thọ xe cộ thôi” – bà H nói.

Mặc dù biết rất rõ về chất lượng dầu nhớt thải sau khi nấu lại đối với xe máy, ô tô nhưng vì “nghề  kiến bạc triệu” mà nhiều người vẫn làm ngơ và hàng ngày phù phép những thùng dầu thải thành dầu mới bán ra thị trường.

Vậy dầu sau khi nấu lại sẽ về đâu ? Gây nguy hiểm, giảm tuổi thọ như thế nào đối với xe máy, ô tô của người dân ? Câu trả lời sẽ có trong các kỳ tiếp theo, mời bạn đọc cùng theo dõi.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang