Cảnh báo nổi bật trong nước và thế giới năm 2017

author 12:30 14/02/2018

(VietQ.vn) - Năm 2017 là năm có quá nhiều sự kiện cảnh báo thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm cũng như hàng hóa “giả” bị thu giữ gây chấn động dư luận.

Năm 2017, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ngay từ đầu năm, Văn phòng thường trực đã tham mưu, đôn đốc bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.Tính đến thời điểm cuối tháng 12 này, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai kế hoạch nghiêm túc, góp phần đưa kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được những chỉ tiêu đề ra.

 Khăn lụa KhaiSilk ‘made in Việt Nam’ thực chất là hàng Trung Quốc đã gây chấn động dư luận. Ảnh minh họa

  Khăn lụa KhaiSilk ‘made in Việt Nam’ thực chất là hàng Trung Quốc đã gây chấn động dư luận. Ảnh minh họa

Về số vụ vi phạm, hết tháng 10/2017, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện trên 200.000 vụ vi phạm về hàng hóa, cao hơn so với năm 2016. Trong đó, tình trạng buôn lậu trên các tuyến biên giới từng bước được kiềm chế, giảm xuống rõ rệt, đặc biệt là khu vực biên giới phía Bắc.

Về thực phẩm, báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành cho biết, trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản.

Qua kết quả kiểm tra cho thấy tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh lại tăng mạnh, chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016. Cả nước xảy ra 24 trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Theo đó, cả nước có 10 người bị chết do ăn phải cá nóc, cóc và sao biển. 11 trường hợp tử vong do chất methanol trong rượu.

Dưới đây là điểm danh những vụ việc cảnh báo nổi bật liên quan tới thực phẩm và hàng hóa “giả” bị phát hiện chấn động dư luận năm 2017.

Sữa Lactalis nhiễm khuẩn ảnh hưởng nặng nề tới Việt Nam

Một vụ bê bối đáng lưu ý nhất năm 2017 liên quan tới sữa nhiễm khuẩn tại Pháp lan rộng ra 83 quốc gia trong đó Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu gần 20.000 sản phẩm sữa của Tập đoàn Lactalis (Pháp) nằm trong diện cảnh báo nhiễm khuẩn Salmonella Agona.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm khẳng định, các cơ quan An toàn thực phẩm đang nỗ lực rà soát và chỉ đạo kiểm nghiệm chỉ tiêu Salmonella Agona đối với các sản phẩm theo cảnh báo.

Thịt lợn “lực sĩ” có khả năng gây vô sinh

Sự kiện cảnh báo tiếp theo cũng khiến dư luận lo lắng liên quan tới vụ thịt lợn “lực sĩ” có cơ bắp to một cách bất thường xuất hiện tại Campuchia. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu ăn vào giống lợn “lực sĩ” đã được tiêm hormone và steroid, những chất trong lợn sẽ được cơ thể hấp thụ trực tiếp.

Thịt lợn lực sĩ có nguy cơ gây ung thư khiens dư luận lo lắng. Ảnh minh họa

Thịt lợn lực sĩ có nguy cơ gây ung thư khiens dư luận lo lắng. Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu, chúng có thể gây ra các bệnh như ung thư, tim mạch, tăng nguy cơ bị bệnh tâm thần, làm cho trẻ nhỏ chậm phát triển, kém thông minh.

Khăn Lụa KhaiSilk ‘made in Việt Nam’ thực chất là hàng Trung Quốc

Sự kiện phát hiện hàng hóa giả không thể không nhắc tới vụ khăn lụa Khai Silk thực chất toàn là hàng Trung Quốc. Vụ việc xảy ra đã làm chấn động dư luận vì bao lâu nay thương hiệu khăn lụa KhaiSilk đã gắn liền với người Việt Nam, là món quà ý nghĩa cho khách du lịch nước ngoài vậy mà chỉ là đồ giả.

Sính trái cây ngoại, người Việt tưởng trái ngọt ai ngờ “đắng chát”

Liên quan tới hoa quả ngoại. Từ trước tới nay người Việt luôn tin tưởng vào hàng nhập khẩu từ các nước Thái Lan, Mỹ vì lo sợ hàng Trung Quốc. Tuy nhiên người Việt đã thực sự “ngã ngửa” với thông tin hơn 64% rau quả của Thái Lan không an toàn do thuốc trừ sâu, trong đó có nhiều sản phẩm được tiêu thụ tại thủ đô Băng Cốc và 4 địa phương khác.

Báo động Hà Nội thuộc “top” thành phố ô nhiễm nhất thế giới

Một sự kiện đáng báo động năm 2017 do WHO cảnh báo đó là Hà Nội là một trong những thành phố đứng trong top đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Ước tính cho thấy cứ 4 người thì có 1 người được xác định tử vong do ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm có thể gây ra các bệnh như hen, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bệnh tim, đột quỵ, tắc nghẽn phổi mãn tính và ung thư ở người lớn.

WHO cảnh báo 11% thuốc chữa bệnh tại các nước đang phát triển là giả

Một sự kiện cuối cùng liên quan tới ngành y tế cũng gây chấn động dư luận năm 2017 đó là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả, trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.

Theo Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, vấn đề trên ảnh hưởng đến hầu hết các nước nghèo. Có khoảng từ 72.000 đến 169.000 trẻ em chết vì sưng phổi mỗi năm sau khi được điều trị bằng thuốc giả.

Vân Thảo

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang