Cập nhật liên tục phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng

author 07:43 12/12/2013

Sáng nay (12/12), HĐXX dành thời gian để kiểm tra căn cước 10 bị cáo và đại diện cơ quan công tố công bố bản cáo trạng.

11h30 sáng, đại diện VKS Hà Nội mới trình bày xong bản cáo trạng dài 42 trang, tòa bắt đầu đi vào phần xét hỏi.

Dương Chí Dũng trả lời từng câu hỏi của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa, xác nhận đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinalines từ tháng 1/2007. Còn dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, Tổng Cty Hàng hải có chủ trương từ năm 2006.

Khi đó, Dương Chí Dũng cũng đã là thành viên HĐQT, giữ chức vụ Tổng GĐ. Dũng cũng xác nhận, đề án khi đó do bị cáo ký trình HĐQT xem xét, xuất phát từ nhận định thực tế là nhu cầu sửa chữa tàu biển rất lớn. Đề án được nhất trí phê duyệt sau đó.

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, Dương Chí Dũng cho rằng, dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển vẫn tiếp tục nhưng bị cáo chỉ triển khai thực hiện dự án theo Nghị quyết đã được tập thể HĐQT thông qua trên cơ sở đệ trình của người kế nhiệm – Tổng GĐ Mai Văn Phúc.
 

Vốn đầu tư dự án được Vinalines xác định vay ngân hàng. Bị truy về việc xác định nguồn trả nợ, Dương Chí Dũng cho biết, Tổng Cty dự kiến phát hành cổ phần để huy động với 80% giá trị đầu tư, 20% còn lại các đối tác khác góp vốn.

Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi, như vậy là chưa xác định nguồn trả nợ, có phải khoản này sẽ trình nhà nước quyết toán, nhà nước phải chịu lãi toàn bộ cho khoản vay đề đầu tư dự án này của Vinalines? Câu hỏi không có câu trả lời.

Cựu Chủ tịch Vinalines cũng trình bày việc làm văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng về dự án. Dương Chí Dũng cho rằng, khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải từ Chính phủ, bị cáo hiểu đã được chấp nhận về chủ trương nên giao Ban GĐ lập dự án ngay. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố, truy nã, bắt giam mới hiểu là phải chờ dự án được Bộ GTVT cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.

Việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng một mực khẳng định không chỉ đạo, cũng không định hướng việc mua ụ nổi là mua mới hay nhập tàu cũ vì công việc cụ thể này HĐQT đã giao Tổng GĐ Mai Văn Phúc thực hiện. Bị cáo biết thông tin nhà máy Nakhodka của Nga có rao bán 2 ụ nổi cũng là do Tổng GĐ trình trước HĐQT.

“Bị cáo không chỉ đạo bất cứ ai, kể cả Tổng GĐ về việc này vì đây là phần việc thuộc thẩm quyền của ban GĐ” – Cựu Chủ tịch Vinalines quả quyết.

Về đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, Dương Chí Dũng cũng phân trần không giới thiệu, tiến cử ai tham gia đoàn, chỉ biết thành phần có Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều, Phó Trưởng Ban đóng mới tàu biển Mai Văn Khang, Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn. Trước khi sang Nga, Triều có đến chào, Dũng chỉ tiếp nước, “chúc anh em đi an toàn, thuận lợi”.

Bị cáo nhắc lại, bản thân không nhận được bất cứ báo cáo nào riêng bằng văn bản hay bằng lời về việc mua ụ nổi, chỉ khi Mai Văn Phúc trình ra HĐQT mới cùng nghe và biết thông tin mua ụ qua công ty AP của Singapore với giá 9 triệu USD.

Biết ụ nổi 83M thuộc dòng “cao niên”, sản xuất từ năm 1965, bị cáo có hỏi sao không mua trực tiếp của Nga thì được báo cáo là không mua được vì vướng thủ tục xuất nhập khẩu, bắt buộc phải mua qua công ty của Singapore. Việc thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi về Việt Nam (chuyển từ phương án lai dắt bằng cách chở trên tàu nâng trọng tải lớn) làm tăng chi phí đầu tư nhưng cũng phải chấp nhận, theo lý giải của Dương Chí Dũng là vì trước đó, Vinashin cũng từng mua 2 chiếc tương tự nhưng quá trình kéo về Việt Nam đều bị đắm, chìm cả 2.

“Sau khi mua ụ, tôi cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban GĐ. Không bao giờ tôi can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của Tổng GĐ vì quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế” – Dương Chí Dũng giải trình.

Chiều nay, tòa tiếp tục nội dung xét hỏi vào 13h30.

Tại phiên tòa, Dương Chí Dũng được bố trí ngồi một mình trên hàng ghế đầu tiên ngay sau vành móng ngựa. Cựu Chủ tịch Vinalines cũng là bị cáo duy nhất mặc trang phục khác với bộ “đồng phục” màu xanh công nhân của 9 đồng phạm. Dũng mặc áo budông với sơ mi trắng, quần âu. Thái độ bị cáo rất điềm tĩnh, vẻ khác biệt duy nhất có thể nhận ra ở cựu Chủ tịch Vinalines sau thời gian tạm giam chỉ là mái tóc đã lộ bạc gần một nửa.
 
Phần kiểm tra căn cước các bị cáo trôi qua nhanh, suôn sẻ. Những người làm chứng và đại diện nguyên đơn dân sự (TCty Hàng hải Việt Nam – Vinalines) cũng có mặt đầy đủ tại tòa. Cục đăng kiểm – Bộ GTVT, Bộ Tài chính, ngân hàng tham gia hoạt động chuyển tiền, ký quỹ để mua ụ nổi 83M đều cử đại diện tham dự.
 
Bị cáo Dương Chí Dũng (giữa) và 9 bị cáo đồng phạm đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN/vietnamplus.vn
 
Bị cáo “đầu vụ” Dương Chí Dũng có 3 luật sư bào chữa đều là những “tên tuổi” uy tín trong ngành, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển, Trần Đại Thắng. Bảo vệ quyền lợi cho cựu Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc có luật sư Nguyễn Huy Thiệp và một cộng sự cùng văn phòng.

Có 1 bị cáo không mời luật sư bào chữa nhưng được tòa chỉ định người bảo vệ.

Trước khi kết thúc phần thủ tục, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Lê Minh Công đề nghị cho triệu tập bổ sung giám định viên của Cục đăng kiểm Việt Nam và giám định viên của công ty giám định độc lập có tham gia trong qúa trình khảo sát, quyết định đầu tư mua ụ nổi 83M của Vinalines với lý do tất cả các quyết định của tập thể TCTy cũng như của cá nhân Chủ tịch Dương Chí Dũng, Tổng GĐ Mai Văn Phúc đều căn cứ trên 2 văn bản giám định của 2 đơn vị này.

Với ý kiến này, HĐXX nhận định, các tài liệu, chứng cứ này đã có trong hồ sơ vụ án. Các luật sư cho rằng, không triệu tập điều tra viên cũng như đại diện CQĐT – Bộ Công an tham gia phiên tòa nghĩa là sẽ mất cơ hội để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong vụ án. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã lặp lại lời giải thích trước đó.

1. Dương Chí Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN - Vinalines, nguyên cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT)

2. Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines, nguyên phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT

3. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines)

4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines)

5. Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines)

6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines)

7. Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN)

8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, nguyên phó chánh văn phòng Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa)

9. Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa)

10. Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa).

9h20, tòa chuyển sang phần thẩm vấn với nội dung đầu tiên là phần công bố cáo trạng truy tố các bị cáo của đại diện VKSND Hà Nội.
 
Trước đó, 8h20, phiên tòa bắt đầu với các thủ tục xét xử. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh. Hai kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng.

Phiên tòa thu hút hàng chục phóng viên từ các cơ quan báo chí khác nhau. Nhiều phóng viên đã “tập kích” từ khá sớm trước cổng trụ sở TAND TP Hà Nội, nhằm ghi lại những hình ảnh đầu tiên khi ông Dũng cùng đồng phạm ra trước vành móng ngựa.

Trong vụ án, ông Dũng được xác định cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu.

An ninh thắt chặt tại phiên tòa sáng nay

Theo nguồn tin riêng PV trong lần gặp gỡ với luật sư 3 ngày trước tại Trại tạm giam B14 Bộ Công an, ông Dũng tỏ ra khá bình thản và sẵn sàng đối diện phiên xử.

“Ông Dũng có sức khỏe khá tốt, trao đổi cởi mở khi tiếp xúc với luật sư” – một luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng nói.

Có 3 luật sư bào chữa cho ông Dũng tại phiên sơ thẩm, gồm luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng (đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Ngô Thị Ánh. Hai kiểm sát viên Nguyễn Chí Dũng và Trương Tuấn Hưng thực hiện quyền công tố tại tòa.

 

Thời còn tại vị, ông Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương, phê duyệt dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký quyết định mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

 

Trong đó, ông Dũng cùng đồng phạm tham ô hơn 28 tỷ đồng, cá nhân vị cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines “đút túi” 10 tỷ đồng.

Với hành vi nói trên, bị cáo Dương Chí Dũng bị Viện KSND Tối cao yêu cầu bồi thường 10 tỷ đồng tiền tham ô và cùng đồng phạm phải bồi thường đối với hậu quả do cố ý làm trái hơn 338 tỷ đồng.

Cũng theo Viện KSND Tối cao, hành vi phạm tội của cựu Cục trưởng Cục Hàng hải đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, ông Dũng tỏ ra không ăn năn, hối cải, khai báo quanh co, chối tội, do vậy, ông này bị “đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tăng nặng hình phạt” – cáo trạng đó đoạn.

"Nhân vật thứ hai"

Nhân vật thứ hai trong vụ án chính là cựu Tổng Giám đốc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) – Mai Văn Phúc. Trong vụ án, ông Phúc cũng được xác định là người cầm đầu trong việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Tổng Giám đốc Vinalines được cho là đã ký tờ trình đề nghị hội đồng quản trị phê duyệt chủ trương, phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, ký hợp đồng, ký thanh toán tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng. Trong hành vi tham ô, ông Phúc cũng “đút túi” 10 tỷ đồng như Dương Chí Dũng.

Về những yêu cầu bồi thường 10 tỷ tham ô và hơn 338 tỷ đồng gây thiệt hại, ông Phúc nhận được lời đề nghị, hướng xử lý tương tự như đồng phạm Dương Chí Dũng.

Quá trình điều tra, cựu Tổng Giám đốc Vinalines khai báo quanh co, chối tội, do vậy, cũng bị Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng xét xử tăng nặng hình phạt.

Giúp sức

Kế tiếp phải kể đến trường hợp phạm tội của Tổng Giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines – ông Trần Hải Sơn. Bị cáo này bị truy tố cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Với vai trò giúp sức, bị cáo Sơn đã tham gia đoàn khảo sát, ký nháy báo cáo kết quả khảo sát ụ nổi 83M không đúng với thực tế để hợp thức thủ tục mua, soạn thảo các văn bản đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước.

Trong khoản hơn 28 tỷ đồng tiền tham ô, ông Sơn được chia chác hơn 7,8 tỷ đồng. Tương tự hai bị cáo Dũng, Phúc, cựu Tổng Giám đốc Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines bị yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền tham ô, cùng đồng phạm bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý làm trái hơn 338 tỷ đồng.

Không giống Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, quá trình điều tra, ông Sơn tỏ ra khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục một phần hậu quả, do vậy, được Viện KSND Tối cao đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

Nhấn F5 tiếp tục cập nhật

 

 

 

 


 

 

 

Theo Dantri-TP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang