Chàng kỹ sư trẻ làm máy thu hoạch mía cho nông dân

author 08:12 20/11/2013

(VietQ.vn) - Sinh ra ở Nam Định nhưng kỹ sư Lê Quyết Tiến lại "ghi điểm" với bà con Thanh Hóa và đồng bằng sông Cửu Long với sáng chế máy thu hoạch mía, giúp giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất...

Vị "đắng" của mía ngọt...

Thu hoạch mía đang là vấn đề bức xúc hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long. Bởi hàng năm cứ vào vụ thu hoạch, việc thuê mướn nhân công rất khó khăn, giá công lao động tăng cao làm tăng chi phí sản xuất ảnh hưởng đến hộ sản xuất.  

Nông dân Long An thu hoạch mía

Nông dân Long An thu hoạch mía

Khó khăn lớn ảnh hưởng đến thu hoạch bằng cơ giới ở đây là vùng đất thấp, hàng năm bị ngập lũ theo mùa, mía phải trồng trên liếp để chống úng ngập và dễ thoát phèn.  Một số mẫu máy thu hoạch mía hiện có trong nước có khả năng ứng dụng ở các vùng mía nguyên liệu khác trong nước như: Lam Sơn (Thanh Hóa), Tây Ninh, Quảng Ngãi...nhưng rất khó làm việc trong điều kiện vùng đất mía nguyên liệu này, bởi máy có kích thước cồng cềnh, khối lượng lớn, di chuyển bằng bánh lốp không phù hợp với điều kiện địa hình lô thửa phân thành các liếp...

Ở các nước như Úc, Thái Lan... có trình độ canh tác mía cao, đều có hệ thống thủy lợi phát triển nên năng suất mía trung bình đạt cao (80-160 tấn/ha). Hầu hết diện tích trồng mía vùng mía Quảng Tây, Trung Quốc đã kết hợp các biện pháp canh tác giảm chi phí đầu tư: cày sâu, tưới ngay khi trồng mới, dùng màng che phủ gốc để giữ ẩm cho thấy đạt hiệu quả năng suất cao.

Hiện nay có nhiều mẫu máy thu hoạch mới hiện đại được ứng dụng trong thu hoạch mía, tập trung nhiều nhất là ở Mỹ, Ôxtraylia, Nhật Bản...là những nước có diện tich trồng mía lớn trên thế giới đồng thời cũng là nước phát triển, có tiềm năng công nghiệp chế tạo máy, đưa ra các máy thu hoạch hiện đại, có năng suất cao.

Nhưng ở nước ta các vùng trồng mía nguyên liệu có đặc điểm đất trồng và quy mô lô thửa rất khác nhau và chưa được cơ giới hóa đồng bộ, vì vậy những mẫu máy của nước ngoài nói chung không phù hợp với điều kiện canh tác mía nguyên liệu ở nước ta hiện nay, đặc biệt là đối với vùng đất thấp, mía được trồng trên liếp như ở đồng bằng Sông Cửu Long. 

Trước thực trạng đó, phải cấp bách có giải pháp về công nghệ để thu hoạch mía cho bà con, vừa đảm bảo thu nhập cho nông dân, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đường.

Xuống ruộng làm máy mía cho nông dân

Từng học ở ĐH Nông nghiệp I, gia đình có nhiều người làm nông, nên kỹ sư Lê Quyết Tiến thấu hiểu nỗi vất vả của nông dân. Dù ở miền Bắc hay miền Nam, họ đều lam lũ quanh năm mà vẫn bấp bênh với bao mối họa từ thiên nhiên...

Anh cũng đồng nghiệp ở Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch bắt tay thực hiện đề tài chế tạo máy thu hoạch mía, dù biết rằng, sẽ phải lặn lội từ Bắc chí Nam, để khảo nghiệm trên những cánh đồng trồng nguyên liệu sản xuất đường này.

Kỹ sư Vũ Quyết Tiến bên chiếc máy thu hoạch mía

Kỹ sư Lê Quyết Tiến bên chiếc máy thu hoạch mía. Năm nay, anh mới 35 tuổi, là Phó Giám đốc Trung tâm máy nông nghiệp.

Nhiều tháng, các anh phải ở lại các tỉnh, đưa máy xuống đồng làm thử. Sau đó lại chỉnh sửa bản vẽ thiết kế rồi đem chế tạo cho phù hợp với canh tác...Những kiến thức về cơ khí, động lực học, chế tạo máy...được học trong trường và thực tế, đã được áp dụng, dưới sự đánh giá của các "giám khảo" là nông dân.

Một thời gian ngắn sau, chiếc máy THM0.2 (thu hoạch mía) đã ra đời, có đủ các bộ phần cần thiết như xích để di chuyển, "tay" chặt gốc mía, bộ phận chuyển cây...

Mẫu máy THM-0.2 đã được thử nghiệm ứng dụng trong điều kiện sản xuất ở Hiệp Hòa- Long An đạt được các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng làm việc so với yêu cầu đặt ra: Máy hoạt động được trên địa bàn phức tạp của liếp mía, thu hoạch được mía đổ, năng suất thuần túy đạt 0,21 ha/h, tỷ lệ chặt đạt tiêu chuẩn ≥80%, chặt sát gốc không sót và không làm dập cây, rải cây đều vuông góc với chiều tiến của máy; Các thiết bị thủy lực làm việc êm, ổn định, thao tác vận hành nhẹ nhàng.

Sử dụng máy THM-0.2 so với thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công có thể: giảm được 48% công lao động, 15% chi phí so với cách làm thủ công. Thời gian thu hồi vốn là 4 năm, hiệu quả vốn đầu tư là 5. Ngoài ra sử dụng máy THM-0.2 có thể tận thu được 5÷7% khối lượng mía và giảm được 200.000đ÷300.000đ/ha chi phí bạt lại gốc (do chặt được sát gốc) so với phương pháp thu hoạch bằng thủ công hiện nay.

Lê Quyết Tiến mong...tiến xa hơn

Tâm sự với Chất lượng Việt Nam, chàng kỹ sư trẻ quê Nam Định phấn khởi cho biết, do đạt hiệu quả như vậy nên dù kinh tế khó khăn, nhiều đề tài bị cắt giảm chi phí (thậm chí bị dừng xét duyệt) nhưng đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát vẫn tiếp tục ủng hộ đề tài phát triển thành sản phẩm thương mại hóa.

Sản phẩm áp dụng hiệu quả vào thực tế

Sản phẩm áp dụng hiệu quả vào thực tế

Do mới là mẫu máy đầu tiên nghiên cứu để áp dụng thu hoạch mía liếp cho đồng bằng sông Cửu Long nên vẫn còn một số hạn chế về khả năng thực hiện một số công đoạn trên cùng liên hợp như chưa cắt được ngọn, tách lá,…Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các chức năng công việc, hoàn thiện máy nhằm nhân rộng mô hình ứng dụng máy THM-02.

Kỹ sư Lê Quyết Tiến "bật mí", nhiều doanh nghiệp khi thấy chiếc máy thu hoạch hiệu quả đã đặt vấn đề mua lại sản phẩm, nhưng anh cùng với đồng nghiệp chưa đồng ý vì cần phải hoàn thiện thêm một số bộ phận.

Các anh hy vọng, với sự đầu tư sắp tới của nhà nước, sáng chế của những nhà khoa học vì nông nghiệp này sẽ đến được đông đảo nông dân Việt Nam.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang