Chính sách mới không ép buộc hộ kinh doanh phải thành doanh nghiệp

author 11:00 01/09/2019

(VietQ.vn) - Không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xoá bỏ hình thức hộ kinh doanh. Quan điểm này được nêu tại tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra sơ bộ mới đây.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, về đăng ký doanh nghiệp lần sửa đổi này sẽ bãi bỏ 2 thủ tục, gồm: thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay).

Về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, dự thảo luật sửa đổi quy định về thời hạn góp vốn điều lệ phù hợp với thực tiễn trong trường hợp góp vốn bằng máy móc, thiết bị, tài sản. Theo đó, thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính đối với máy móc, thiết bị và tài sản góp vốn sẽ không tính vào thời hạn (90 ngày) phải góp đủ vốn điều lệ doanh nghiệp.

Dự thảo luật sửa đổi cũng mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hộ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty nhằm hạn chế cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.

Đáng chú ý, quy định về doanh nghiệp nhà nước cũng được sửa đổi. Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để bao gồm hai loại doanh nghiệp: doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Thứ trưởng Thắng cho biết, quy định về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ cũng được sửa đổi. Như, mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, hoặc tổng giám đốc, bao gồm: con rể, con dâu, anh em bên chồng.

Bổ sung quy định về minh bạch hoá, công khai hoá thông tin của doanh nghiệp, sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do nhà nước nắm giữ (cồ phần "vàng") theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi.

Định vị chính xác hơn về hộ kinh doanh

Nhóm vấn đề mới hoàn toàn được ông Thắng nhấn mạnh là định vị chính xác hơn về hộ kinh doanh.

Vị Thứ trưởng nêu một số khiếm khuyết của quy định hiện hành về hộ kinh doanh, như không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự, quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm vi cấp quận, huyện. Hay, hộ kinh doanh chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện...

Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh, không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực.

Thay vì giao hoàn toàn cho Chính phủ quy định về hộ kinh doanh như hiện nay, lần sửa đổi này dự thảo luật đã bổ sung một chương về hộ kinh doanh.

Theo đó, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của "hộ kinh doanh" là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Luật cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự, hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Những hạn chế của quy định hiện hành như đã kể trên sẽ được bãi bỏ.

Ông Thắng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đánh giá tác động mới về hộ kinh doanh trong dự thảo luật. Việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay, không phát sinh thủ tục hành chính. Các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại hoặc không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Tán thành với việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là một trong những đột phá lần sửa đổi Luật này. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phân tích, Luật hiện hành điều chỉnh cho 10% GDP - 700.000 doanh nghiệp tư nhân; còn 30% GDP khu vực tư nhân đóng góp (của hộ kinh doanh) thì lại không trong phạm vi điều chỉnh của Luật. Do đó, cần có quy định bao trùm hộ kinh doanh là một chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam và đúng theo tinh thần của Hiến pháp – các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng trước pháp luật.

Việc hộ kinh doanh được quy định trong Luật sẽ bảo đảm tốt hơn các quyền lợi, khắc phục được những hạn chế trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, chính sách tín dụng, vấn đề bảo vệ thương hiệu, sở hữu trí tuệ… cùng với đó đặt ra trách nhiệm cao hơn cho hộ kinh doanh.

So với Luật Doanh nghiệp 2014, dự thảo có thêm một chương riêng về hộ kinh doanh. Dự thảo tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần… nhằm đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, không ép buộc hành chính hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp hoặc xoá bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Đồng thời, quy định rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh, đảm bảo phù hợp với Bộ Luật Dân sự. Hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký. Bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện).

An Hạ

Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn có cần giấy phép hay không?(VietQ.vn) - Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang