Chủ động phòng ngừa với phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai

author 06:33 14/07/2020

(VietQ.vn) - Từ nay đến cuối năm, khu vực miền núi phía Bắc được nhận định sẽ tiếp tục có những hình thái thiên tai cực đoan như mưa lũ. Do vậy, các địa phương cần chủ động phòng chống thiên tai với phương châm 4 tại chỗ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020, ngày 13/7/2020 tại thành phố Lào Cai.

 Hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020

Nhiều hình thái thiên tai khốc liệt

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, trung bình hằng năm, thiên tai làm 300 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế chiếm 1-1,5% GDP. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 279 đợt thiên tai, làm chết và mất tích 48 người, tổng thiệt hại về tài sản lên tới 3.424 tỷ đồng. Riêng khu vực miền núi phía Bắc, 20 năm gần đây đã xảy ra 590 trận lũ quét, 92 đợt rét đậm, rét hại...

Năm 2019, các tỉnh khu vực này đã xảy ra 13/21 loại hình thiên tai, trong đó có 74 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 7 đợt nắng nóng; 9 trận động đất, đã làm 42 người chết, mất tích (cả nước 133 người), 19.186 nhà hư hỏng, tốc mái; 11.538 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 58.000m3 đất, đá, bê tông đường giao thông bị sạt lở… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính 753 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra 92 trận dông, lốc, mưa đá, mưa lớn, trong đó 8 đợt trên diện rộng; đặc biệt mưa đá ngay trong đêm Giao Thừa và sáng Mồng Một Tết cổ truyền, một hiện tượng dị thường rất hiếm gặp; 2 trận lũ quét, sạt lở đất; 12 trận động đất. Thiên tai từ đầu năm đến nay đã làm 19 người chết, 79 người bị thương; 1.618 nhà sập, 52.015 nhà bị hư hại, tốc mái; 10.009 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính là 610 tỷ đồng.

Một điểm sạt lở trên địa bàn xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

"Diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng. Lũ lụt ở Trung Quốc đã làm 130 người chết và mất tích, 10.000 ngôi nhà bị cuốn trôi, 20 triệu người bị ảnh hưởng, đe dọa an toàn của đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử - đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay.

Chủ động ứng phó với phương châm 4 tại chỗ

Bộ trưởng Nguyển Xuân Cường cho biết, khu vực miền núi phía Bắc- nơi biên cương của Tổ quốc, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là vấn đề môi trường của đất nước. Khu vực này có hơn 10,6 triệu dân thuộc 30 dân tộc sinh sống sản xuất chủ yếu là lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt trên địa hình, núi cao, độ dốc lớn, chia cắt, địa chất phức tạp, nhiều sông, suối; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt với mùa đông nhiệt độ xuống thấp; mùa mưa tập trung trên 80% lượng mưa; vì vậy thường xuyên xảy ra băng giá, rét đậm, rét hại, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, dông lốc, sét, động đất, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

Bên cạnh đó, khu vực miền núi phía Bắc là một địa bàn trọng yếu của an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng với nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện, khu khai thác khoáng sản, đường giao thông,... được xây dựng để phát triển kinh tế xã hội và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, song cũng đang gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất; gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Từ đầu năm, khu vực này đã xảy ra gần 100 dạng hình thái thiên tai. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm khu vực này tiếp tục có những hình thái cực đoan như mưa lũ.

Lực lượng chức năng kiểm tra điểm cảnh báo lũ tại đập tràn Tân Long, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương cần chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai, thực hiện phương châm bốn tại chỗ, từ cơ sở, từ người dân. Cần bám sát thực tiễn, xây dựng kế hoạch cụ thể, kiểm tra lực lượng của địa phương, nhất là lực lượng xung kích cấp xã; vật tư, trang thiết bị, hậu cần tại các cơ sở và hộ dân đảm bảo sẵn sàng ứng phó thiên tai trên địa bàn. Khẩn trương rà soát và phát hiện nơi ở mất an toàn, các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để cảnh báo các nguy cơ thiên tai nhằm bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đồng thời rà soát, kiện toàn các văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp để nâng cao công tác tham mưu cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang