Chùa Bồ Đề trễ phải nộp viện phí cho trẻ bị bệnh

author 12:53 08/08/2014

(VietQ.vn) - Sau sự việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, câu hỏi ngỏ về tương lai của những đứa trẻ được nuôi dưỡng ở đây đang là nỗi lo lắng canh cánh trong dư luận

Sau sự việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề (Hà Nội) gây chấn động, dư luận cũng như những nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện đều rất quan tâm đến số phận sau này của 106 em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại đây sẽ ra sao khi mà nơi các em đang sinh sống không còn được coi là an toàn. 

Chùa Bồ Đề phải ngừng tiếp nhận trẻ mồ côi vì không đủ kiện

Trả lời phỏng vấn của báo chí về thực trạng điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại chùa Bồ Đề, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết chùa Bồ Đề hiện đang nuôi dưỡng khoảng 116 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chưa được cấp phép để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập theo quy định của Chính phủ. Ông Hữu cũng cho hay, chùa Bồ Đề có nhiều yếu tố chưa đủ điều kiện theo quy định và thành phố Hà Nội đã 2 lần ra văn bản yêu cầu chùa này phải tuân thủ các quy định về việc thành lập cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng xã hội.

Trách nhiệm đôn đốc thuộc về phường Bồ Đề và quận Long Biên. Theo đó, cơ quan chức năng cần phải rà soát lại hoạt động nuôi dưỡng trẻ của chùa. Hiện tại, việc chăm sóc các cháu cũng chưa bảo đảm sự an toàn, vì vậy, trước mắt chùa Bồ Đề sẽ phải tạm dừng việc tiếp nhận những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi.

Chùa Bồ Đề chưa có  giấy phép để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập

Chùa Bồ Đề chưa có giấy phép để trở thành cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Ảnh GĐVN

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề từng trao đổi với báo chí rằng hằng năm UBND phường đều lập hồ sơ đưa trẻ ở chùa Bồ Đề vào trung tâm bảo trợ xã hội, nhất là những cháu có yêu cầu điều kiện chăm sóc đặc biệt như bại não, thiểu năng… Tuy nhiên, số trẻ đã được đưa vào trung tâm mà ông Lâm đưa ra lại quá ít, nhất là những cháu phải chăm sóc theo dạng đặc biệt vẫn sinh sống ở chùa còn nhiều. Thương tâm nhất là trường hợp một bé gái 3 tuổi bị bệnh li thượng bì bóng nước.

Ông Lâm cũng khẳng định, trẻ em sống tại chùa Bồ Đề 6 tuổi trở lên đều được bố trí đi học tiểu học, trẻ ở tuổi mầm non thì đi học mầm non, trẻ từ 0 đến 6 tuổi đều được hưởng bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, các thông tin mà Bệnh viện Nhi TW cung cấp lại khác xa so với những gì ông Lâm khẳng định.

Được biết, bệnh viện Nhi TW là nơi thường xuyên tiếp nhận khám và điều trị cho trẻ em bị bệnh ở chùa Bồ Đề đưa sang. Trong đó, có một số trẻ mà bệnh viện phải rất vất vả khi làm các thủ tục thanh toán viện phí cho các cháu vì không có giấy khai sinh, không có thẻ bảo hiểm y tế. Gần đây nhất là trường hợp của cháu Cù Tuấn Anh, 4 tuổi vào điều trị bệnh sởi tại Khoa Truyền nhiễm II, ra viện ngày 23/7, không có giấy khai sinh, phải thanh toán 100% viện phí. Hay như cháu Trần Tuấn Anh, vào điều trị tại Khoa Truyền nhiễm II từ tháng 7/2013, ra viện ngày 15/8/2013 nhưng đến nay (gần 1 năm) nhà chùa cũng chưa đóng viện phí cho cháu dù bệnh viện nhiều lần liên hệ thúc giục.

Chùa Bồ Đề thường xuyên chậm đóng viện phí cho trẻ bị bệnh

Chùa Bồ Đề thường xuyên chậm đóng viện phí cho trẻ bị bệnh. Ảnh minh họa

Theo Điều dưỡng trưởng Khoa Truyền nhiễm II Đỗ Thị Thúy Hậu thì người đưa 2 cháu bị sởi ở chùa Bồ Đề sang viện gần đây nhất là các bạn tình nguyện viên (TNV). Chị hậu chia sẻ, thấy các cháu sốt cao, các bạn TNV sốt ruột quá mới xin phép nhà chùa cho vào viện khám. Hai cháu bị nặng nên phải nhập viện điều trị và cũng chính các TNV là người thanh toán viện phí.

So sánh cách chăm sóc bệnh nhi giữa chùa Bồ Đề và Trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước, chị Hậu cho biết, cơ sở của Nhà nước luôn cử nhân viên y tế đi cùng bệnh nhi và chăm sóc đúng chuyên môn, thanh toán viện phí kịp thời. Trong khi đó, chùa Bồ Đề là nơi nuôi dưỡng các cháu thì rất hay chậm nộp viện phí. Chị Hậu tâm sự, nếu đã nhận cưu mang trẻ bị bỏ rơi, trẻ bất hạnh thì phải đảm bảo cho các cháu các yêu cầu tối thiểu và chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh trong cuộc sống.

Tương lai sau này của những đứa trẻ ở chùa Bồ Đề

Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề

Trẻ em bị bỏ rơi, trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề. Ảnh minh họa

Theo các cơ quan chức năng, trong trường hợp chùa Bồ Đề không đủ điều kiện về ăn ở, các tiêu chuẩn về chăm sóc sức khỏe cho trẻ thì cần có giải pháp cụ thể. Đó là đưa các cháu trở về địa phương nếu các cháu có địa chỉ rõ ràng, cụ thể và các cháu sẽ được hưởng chính sách trợ cấp của nhà nước theo chế độ hiện hành. Trong trường hợp các cháu không có địa chỉ, thì sẽ được gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Hải Hữu cũng khẳng định, hiện tại TP Hà Nội phải tiếp tục giải quyết vụ việc bởi vẫn chưa có kết luận chính thức về vụ án và công an đang điều tra làm rõ. Qua vụ việc này, Hà Nội sẽ phải làm kiên quyết hơn. Nếu chùa Bồ Đề có đủ điều kiện thành lập cơ sở bảo trợ xã hội thì nhà chùa phải thành lập, trong đó phải đáp ứng được yêu cầu về cán bộ được đào tạo có chuyên môn nghiệp vụ; về ăn ở như diện tích, vệ sinh môi trường, nuôi dưỡng, dinh dưỡng... Nếu không đủ điều kiện, chùa phải chuyển số trẻ em về các cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố.

Tạm kết

Nuôi dưỡng trẻ mồ côi là một việc làm nhân đạo. Trong khi các em bị chính cha mẹ ruột nhẫn tâm bỏ rơi thì các cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo hảo tâm đã dang rộng vòng tay cưu mang, nuôi dưỡng các em. Tuy nhiên Nhà nước không cho phép bất cứ cá nhân, cơ sở nuôi dưỡng nào được phép lợi dụng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi vì mục đích thương mại, đặc biệt lợi dụng việc làm nhân đạo để phát sinh các hành vi tội phạm liên quan đến trẻ em. 

Có thể nói, sự việc mua bán trẻ em gây chấn động ở chùa Bồ Đề là bài học sâu sắc cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà hảo tâm và những cơ sở, tổ chức từ thiện khác. Tuy nhiên, điều trước hết và quan trọng nhất mà dư luận quan tâm vào thời điểm này chính là số phận sau này của những đứa trẻ được nuôi dưỡng ở chùa Bồ Đề. Liệu tương lai của các em có được đảm bảo, được yêu thương, chăm sóc và giáo dục đầy đủ? 

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang