Chưa phát hiện được tham nhũng qua kê khai tài sản

author 07:09 21/01/2014

“Cho đến nay chưa phát hiện được một trường hợp tham nhũng nào qua kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản những năm qua nặng về hình thức, hiệu quả rất thấp…

 Chính vì vậy mới có Luật PCTN (sửa đổi) 2012, và đặc biệt Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 33 về tăng cường kiểm soát kê khai tài sản…” - ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng  (Thanh tra Chính phủ) trao đổi.

Ông Phí Ngọc Tuyển - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng

- Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) ra đời từ năm 2005, trong đó có quy định  cán bộ từ cấp phó phòng trở lên phải kê khai tài sản, như một giải pháp nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Vậy thưa ông, sau từng đó năm thực hiện, đã có bao nhiêu đối tượng tham nhũng  được phát hiện, hoặc phòng ngừa qua kênh minh bạch tài sản này?

- Rất tiếc, cho đến nay chưa phát hiện được một trường hợp tham nhũng nào, cũng như chưa ngăn ngừa được trường hợp nào qua kênh này.

- Là cơ quan được giao trách nhiệm “thụ lý” công tác kê khai tài sản của cán bộ công chức, viên chức (CCVC) ở tất cả các bộ, ngành, địa phương theo Luật PCTN, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có biết trước các thông tin, đại loại như về hai căn hộ hạng sang của Dương Chí Dũng ở Hà Nội, hay chỉ khi sự kiện vỡ lở thì TTCP mới biết?

- Chúng tôi cũng chỉ biết khi sự việc vỡ lở. Không chỉ việc ông Dương Chí Dũng, mà các trường hợp quan chức, cán bộ lãnh đạo địa phương, ngành... có tài sản, nhà cửa bất minh thì TTCP cũng chỉ được biết khi sự việc được phanh phui hoặc qua dư luận xã hội... Bởi lẽ, theo chế định cũ về vấn đề kê khai tài sản thì TTCP hằng năm chỉ nhận và tổng hợp báo cáo từ các địa phương, bộ ngành về số lượng cán bộ, CCVC kê khai, về tình hình kê khai nói chung, còn nội hàm các kê khai như thế nào do cơ quan tổ chức địa phương, bộ ngành nắm. Họ không có nhiệm vụ phải báo cáo TTCP.

- Thực tế nói trên cho thấy, quy định về minh bạch tài sản cán bộ, CCVC nhằm phát hiện và ngăn ngừa tham nhũng thời gian qua không hiệu quả. Ông có cho rằng, sở dĩ như vậy là do không kiểm soát được việc kê khai tài sản đúng hay sai, do đó đa số cán bộ CCVC chỉ khai cho xong việc?

- Đúng như vậy, việc kê khai tài sản những năm qua còn nặng về hình thức,  hiệu quả ngăn ngừa và phát hiện PCTN thấp. Về điều này - qua tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN (2011) - đã rút ra 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, nhận thức chung về kê khai tài sản của cán bộ CCVC chưa đúng. Thứ hai, quy định trước đây về minh bạch tài sản chưa rõ ràng, cụ thể, chủ yếu dựa vào tự giác mà không có biện pháp kiểm soát. Thứ ba, việc tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ (nơi giao cho cơ quan thanh tra, nơi giao cho cơ quan cán bộ...) và đặt biệt là việc thực hiện chưa quyết liệt.

- Ở Luật PCTN năm 2012, quy định về minh bạch tài sản có những gì mạnh hơn, quyết liệt hơn, thưa ông?

- Luật PCTN (sửa đổi) 2012, nội dung về minh bạch tài sản rộng hơn và đặc biệt có hai điểm mới rất mạnh, theo tôi còn mạnh hơn cả luật pháp của nhiều nước về minh bạch tài sản. Đó là: Công khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm và chịu sự xác minh của tổ chức. Cụ thể, công khai có hai hình thức, niêm yết kê khai tài sản tại trụ sở cơ quan cho mọi người giám sát hoặc công bố tại cuộc họp cơ quan. Điều này có nghĩa khẳng định bản kê khai không còn là tài liệu mật, tạo điều kiện cho nhiều người được giám sát. Thứ nữa là bản kê khai phải chịu sự xác minh của tổ chức nếu cần, chứ không như trước đây chỉ áp dụng cung cấp cho cơ quan có yêu cầu. Đây là 2 điểm rất mạnh.

- Quy định, thể chế là rất quan trọng, nhưng  thành-bại là ở khâu  thực hiện. Dư luận lo ngại rằng, việc thực hiện kê khai tài sản lại có thể rơi vào “hình thức”?

- Nhằm tăng cường nhận thức và sự quyết liệt trong thực hiện kiểm soát kê khai tài sản, Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 33 nhằm giải quyết 2 nguyên nhân còn lại. Về nội dung có hai nhóm lớn. Đó là nêu những việc cần phải làm ngay để đảm bảo cho các quy định đi vào cuộc sống với sự huy động tất cả các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ CCVC và toàn xã hội vào cuộc.  

- Trân trọng cảm ơn ông.

 Chuyên gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc Jairo Acuna-Alfaro: Hàng chồng hộp đựng kê khai tài sản quan chức chưa được mở

Tôi cho rằng Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị rất đúng đắn và đây có lẽ là thời điểm để Đảng CSVN tăng cường hơn nữa vai trò trong việc xử lý tham nhũng. Việt Nam đã có rất nhiều quy định, văn bản được ban hành về chống tham nhũng như Nghị quyết 21, Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 78. Việt Nam có chính sách khá hoàn thiện, nhưng có lẽ đã đến lúc cần phải bắt đầu thực thi nghiêm túc.

Để có thể kiểm soát hiệu quả việc kê khai tài sản, điều quan trọng là phải đề cập rõ ràng hơn thu nhập nhằm đến là thu nhập nào và nguồn gốc của nó. Nếu chỉ tính lương, tôi có thể thấy các quan chức đang sống vượt mức lương. Thực thi Nghị định 78, có đến 600.000 người nằm trong danh sách phải kê khai tài sản. Số lượng người phải kê khai lớn như vậy khiến mọi việc trở nên khó quản lý. Tôi hỏi Thanh tra Chính phủ về vấn đề này thì họ nói có đến hàng chồng các hộp đựng bản kê khai tài sản của cán bộ chưa được mở...

Những kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy, số lượng quan chức phải kê khai “càng tinh” thì việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng. Điều quan trọng thứ hai là dư luận phải được tiếp cận với thông tin kê khai tài sản, đặc biệt là báo chí.   

Theo Lao Động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang