Chưa thể khẳng định cá tầm Metro bán nuôi trong nước

author 06:16 12/07/2013

(VietQ.vn) - Phía Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam khẳng định, cá tầm bán trong hệ thống siêu thị Metro được nuôi trồng trong nước nhưng cơ quan quản lý thị trường lại bảo chưa đủ cơ sở khẳng định.

Metro bảo có…

Suốt thời gian vừa qua, người tiêu dùng hoang mang, nghi vấn cá tầm bán trong hệ thống siêu thị Metro là hàng nhập lậu từ Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng, không hợp vệ sinh… Điều này cũng đã được Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam và các doanh nghiệp lên tiếng, phản ánh.

Theo ông Lê Anh Đức – Tổng giám đốc Công ty CP Cá Tầm Việt Nam, với những nghiên cứu và khảo sát của ông và các đồng nghiệp, nguồn cung cá tầm ở miền Bắc không có nhiều. Nguồn cung ở khu vực miền Trung và miền Nam được kiểm soát chặt chẽ. Và câu hỏi đặt ra là cá tầm được lấy từ đâu ra để cho các siêu thị, trung tâm thương mại và bày bán ở các chợ.

Cá tầm của Metro bán cho người tiêu dùng (Ảnh Metro cung cấp)
Cá tầm của Metro bán cho người tiêu dùng (Ảnh Metro cung cấp)

Đặc biệt, tuy chưa có kiểm nghiệm thực tế, nhưng với kinh nghiệm của người làm trong nghề nguôi trồng cá tầm nhiều năm, ông Lê Anh Đức cho rằng, cá tầm bán ở siêu thị Metro là hàng nhập lậu. Có thể Metro không nhập lậu nhưng các nhà cung cấp “rửa” cá tầm Trung Quốc thành cá tầm Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn theo ông Lê Anh Đức, cá tầm Việt Nam nuôi tuân theo quy trình chặt chẽ và ngặt nghèo. Nguồn thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh, nguồn nước sạch sẽ, chất lượng cá tầm được đánh giá cao. Thời gian nuôi kéo dài tới 2 năm mới có cá thương phẩm. Trong khi đó, cá tầm của Trung Quốc chỉ nuôi trong thời gian ngắn, từ 4 – 6 tháng đã có cá thương phẩm, lo ngại có những kích thích, tăng trọng.

Trước thông tin như nói trên, trong văn bản gửi cho PV Chất lượng Việt Nam ngày 11/7/2013, phía Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Metro ở Việt Nam khẳng định: “Ngày 9/7/2013, Đội Quản lý Thị trường số 1 – Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã có cuộc kiểm tra đột xuất tại Trung tâm Metro Thăng Long và Metro Hoàng Mai. Sau khi kiểm tra, cơ quan Quản lý thị trường đã lập biên bản số 0181157/BBKT và 0176146/BBKT.

Biên bản kiểm tra đã kết luận chi nhánh Công ty Cash & Carry Việt Nam tại Hà Nội kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; kinh doanh cá tầm nuôi trồng trong nước, có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ phù hợp; tổ công tác đã tiến hành đối chiếu hàng hóa thực tế với hóa đơn GTGT và thấy phù hợp về giấy tờ và chủng loại với thực tế.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Metro khẳng định cá tầm bán ra là cá Việt Nam nhưng Quản lý thị trường chưa xác nhận điều đó. Ảnh: N. Nam
Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí, Metro khẳng định cá tầm bán ra là cá Việt Nam nhưng Quản lý thị trường chưa xác nhận điều đó. Ảnh: N. Nam

Tất cả cá tầm phân phối tại các Trung tâm Metro phía Bắc nói riêng và trên toàn hệ thống Metro tại Việt Nam nói chung đều có nguồn gốc xuất xứ trong nước và được Công ty Metro mua qua các nhà cung cấp với đầy đủ hồ sơ chứng từ gồm cam kết nguồn gốc, hợp đồng mua bán với nguồn nuôi, hóa đơn chứng từ mua hàng…”

… Quản lý thị trường bảo đang điều tra

Chiều hôm qua (11/7), PV Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Đội Quản lý Thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội. Đơn bị này cho biết, chưa thể khẳng định cá tầm bán ở Metro Hà Nội là Việt Nam hay Trung Quốc. Để đầy đủ cơ sở chứng minh cá tầm bán tại hệ thống siêu thị Metro là hàng nhập hay nguồn nuôi trong nước, cơ quan chức năng vẫn đang kiểm tra làm rõ.

Liên quan đến việc, Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam khẳng định cá tầm bán ở Metro Hoàng Mai và Metro Thăng Long được nuôi trồng trong nước, ông Khoa - Đội trưởng Đội quản lý Thị trường số 1 (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi không khẳng định được điều gì. Chúng tôi vẫn đang làm việc với các đơn vị tiếp theo cung cấp cho Metro. Còn việc họ khẳng định hay không đó là việc của người ta. Tôi làm sao tôi cấm được”

Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, để biết cá tầm của Metro bán là hàng trong nước hay nhập lậu, vẫn phải kiểm tra, rà soát, truy nguyên nguồn gốc cá tầm. Ảnh: N. Nam
Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, để biết cá tầm của Metro bán là hàng trong nước hay nhập lậu, vẫn phải kiểm tra, rà soát, truy nguyên nguồn gốc cá tầm. Ảnh: N. Nam

Cũng theo ông Khoa, Metro mua hàng ở đâu, quản lý thị trường sẽ kiểm tra đến cùng. Cá tầm bán ở siêu thị Metro là của Việt Nam hay Trung Quốc thì chúng tôi không khẳng định điều đó.

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, trong biên bản mà quản lý thị trường lập cũng không thể hiện là cá tầm bán tại 2 siêu thị Metro Hoàng Mai và Thăng Long là của Việt Nam. Chỉ ở trong Phụ lục biên bản số 0085820/PLBB của Quyết định kiểm tra số 0235721/QĐKT ngày 9/7/2013 của Đội Quản lý thị trường số 1 có ghi: Kết quả kiểm tra hàng (cá tầm) tại quầy bán cá các loại trong đó có tủ đông, 4 con cá tầm, trên thùng có biển niêm yết là cá tầm có xuất xứ Việt Nam, giá bán là 197.000 đồng/kg… Cũng trong phụ lục biên bản nói trên, ông Nguyễn Xuân Huy – Giám đốc Trung tâm Metro Thăng Long khẳng định, cá được mua của Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội (Hasimex). Hasimex mua cá tầm của Chi nhánh Công ty CP cá tầm Phương Bắc tại Hà Nội và có hóa đơn kèm theo.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong việc nuôi trồng cá tầm ở Việt Nam, có hóa đơn mua bán cũng chưa đủ cơ sở khẳng định cá tầm bán ở siêu thị Metro là cá nuôi tại Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay có hiện tượng cá tầm Trung Quốc nhập lậu, chưa kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng lớn.

Để khẳng định là cá tầm bán ở siêu thị Metro Thăng Long và Hoàng Mai là được nuôi trồng, chăm sóc ở trong nước, không phải là nhập khẩu từ Trung Quốc về và “rửa” bằng cách đưa vào ao nuôi một thời gian ngắn rồi đưa ra thị trường, các chuyên gia thủy sản cho rằng, nhà cung cấp hàng cho siêu thị Metro cần chứng minh được quy trình chăm sóc, nguồn gốc sản phẩm, kiểm tra chất lượng, ngoài những hóa đơn mua bán đơn thuần.

Cuộc phỏng vấn với lãnh đạo QLTT đội 1, Hà Nội về nguồn gốc cá tầm bán Metro  Hà Nội:

Qua quá trình kiểm tra ở Metro Hà Nội về việc đơn vị này bán cá Tầm. Ông có thể cho biết cá bán ở Metro là của Việt Nam hay của Trung Quốc không thưa ông?
 
Cá ở Việt Nam hay Trung Quốc thì chúng tôi không khẳng định điều đó. Người ta xuất trình chúng tôi như thế nào chúng tôi ghi nhận thế đó. Còn người ta nói như thế nào cá Việt Nam hay Trung Quốc bằng cảm quan chúng tôi không thể nào biết. Mà hiệp hội nuôi trồng thủy sản cũng chưa đưa ra bất cứ cái gì để làm chuẩn cho vấn đề đó.
 
Theo ông tại sao Metro lại gửi thông cáo báo chí khẳng định rằng cá của họ bán là của Việt Nam?
 
Việc đó là việc của người ta.
 
Thế tóm lại cá Tầm bán ở Metro Hà Nội  là cá của Việt Nam hay Trung Quốc thưa ông?
 
Bằng mắt thường chúng tôi cũng như mọi người thôi. Chúng tôi không khẳng định được điều gì. Chúng tôi vẫn đang làm việc với các đơn vị tiếp theo cung cấp cho Metro. Còn việc họ khẳng định hay không đó là việc của người ta. Tôi làm sao tôi cấm được.
 
Bây giờ người ta mua ở đâu thì chúng tôi sẽ kiểm tra đến cùng. Đây lẽ ra là việc bên Thủy sản người ta phải nhảy vào cuộc giúp chúng tôi biết con cá nào là VN con nào TQ.
 
Còn chúng tôi cũng chỉ là người trần mắt thịt làm sao biết. Tôi chỉ làm theo đúng chức năng quyền hạn của mình chứ tôi không thể khẳng định được việc đó.
 
Bây giờ về mặt nguyên tắc người ta đã xuất trình giấy tờ như thế thì chúng tôi phải ghi nhận cho người ta chứ.
 
Có phải  Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Hà Nội (Hasimex) cung cấp cá Tầm cho Metro Hà Nội không thưa  ông?
 
Tôi cũng chả nhớ đâu. Việc này anh em người ta làm đột nhiên anh hỏi tôi cũng không nhớ được.

Nghĩa là chưa khẳng định được cá bán ở Metro là của Việt Nam phải không thưa ông?

Cái đó các cơ quan chức năng người ta vẫn đang trong quá trình xác minh làm rõ. 

Cảnh sát vào cuộc điều tra

Văn phòng Chính phủ có công văn số 5635 gửi Bộ Công an về việc vận chuyển và kinh doanh cá tầm nhập lậu.

Theo nội dung công văn, căn cứ báo cáo kết quả phối hợp kiểm soát an toàn thực phẩm trong kinh doanh cá tầm trên địa bàn thành phố Hà Nội của Bộ Y tế và đơn kiến nghị về việc chống nhập lậu cá tầm không rõ nguồn gốc của các tổ chức (Hiệp hội phát triển cá nước lạnh; Đại diện các nhà sản xuất cá tầm Việt Nam; Đại diện các nhà phân phối cá tầm Việt Nam), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15/7/2013 về tình hình vận chuyển (chở qua đường hàng không vào thành TP. Hồ Chí Minh), buôn bán công khai thủy sản (cá tầm) nhập lậu vào Việt Nam.

Nguyễn Nam - Phan Mạnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang