Chuyên gia Phạm Chi Lan: Thị trường trong nước đang 'nở' lên, đừng nhường hết cơ hội cho FDI

author 06:46 21/05/2019

(VietQ.vn) - “Đừng coi thường thị trường trong nước, nó đang "nở" lên hàng ngày. Nếu chúng ta biết tận dụng chúng ta sẽ thắng. Đừng nhường hết cơ hội đó cho FDI”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Cuối tháng 1/2019 vừa qua, Việt Nam chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo ra nhiều cơ hội cũng như cả thách thức với doanh nghiệp Việt Nam.

"Đừng nhường hết cơ hội cho FDI"

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Nếu như WTO là dấu mốc cho quá trình hội nhập theo chiều rộng của Việt Nam thì CPTPP đánh dấu giai đoạn mới khi Việt Nam muốn hội nhập theo chiều sâu, ở tầm cao hơn, với những đòi hỏi cao hơn từ bên ngoài.

Không phủ nhận việc tham gia CPTPP, người tiêu dùng có thể được hưởng lợi vì hàng hoá phong phú hơn, thuế giảm. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ vấp phải áp lực trong việc cạnh tranh với hàng hóa tràn vào từ các nước. Điều này sẽ gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam và nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế sẽ gia tăng.

 Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

"Tôi rất kỳ vọng vào sự vươn lên của bản thân các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chú ý thị trường nội địa. Thị trường mở ra thì cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, nhưng cơ hội cũng rộng lớn hơn. Nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam cũng vì nhìn thấy tiềm năng của thị trường 100 triệu dân này, tại sao chúng ta lại bỏ đi cơ hội ngay trên sân nhà. Đừng coi thường thị trường trong nước, nó đang "nở" lên hàng ngày, nếu chúng ta biết tận dụng chúng ta sẽ thắng. Đừng nhường hết cơ hội đó cho FDI", bà Lan nhấn mạnh.

Nên tạo sự bình đẳng giữa FDI và doanh nghiệp nội địa

Nói thêm về việc tận dụng cơ hội từ CPTPP và từ bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chuyên gia Phạm Chi Lan nói thêm về thực trạng bất bình đẳng giữa ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước và FDI.

Theo bà Lan, hội nhập cơ bản là tự do hóa. Lâu nay chúng ta vẫn tự do hóa, nhưng có lẽ tự do hóa quá nhiều cho FDI. Ở các nước, khi một FDI đàm phán đầu tư đều mong muốn được đối xử tương đương với doanh nghiệp tại nước sở tại, cho ưu đãi không kém hơn doanh nghiệp nội địa; Việt Nam cho FDI quá nhiều ưu đãi, hơn hẳn trong nước. Điều này làm cho doanh nghiệp Việt thiệt thòi, không cạnh tranh được với FDI.

"Hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, chúng ta phải thúc đẩy tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân với FDI. Tự do hóa cho doanh nghiệp trong nước phải cao hơn nữa thì mới vượt lên được chứ không chúng ta vẫn dành cơ hội cho FDI", bà Lan nói thêm.

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang