Chuyện vui, buồn giữa nhà báo - nhà khoa học

author 08:35 19/06/2013

(VietQ.vn) – Luôn nhiệt tình giúp đỡ các nhà báo nhưng khi bị một số báo viết sai sự thật, chưa bao giờ nhà khoa học tỏ ý thù hằn…

Nhà báo luôn được nhà khoa học giúp

Chất lượng Việt Nam là cơ quan báo chí chuyên sâu về chất lượng sản phẩm hàng hóa và khoa học công nghệ. Vì thế, trong quá trình tác nghiệp, đã được đông đảo các nhà khoa học giúp sức.

Còn nhớ, hồi GS Ngô Bảo Châu mới đạt giải Fields, chúng tôi đến nhà để phỏng vấn. Vì đã nổi tiếng, nên nơi ở của anh ở phố Linh Lang (Hà Nội) thường xuyên có đông người tới trò chuyện. Phải tiếp nhiều khách, lại mới đi xa về, GS Ngô Bảo Châu khá mệt.

Nên khi thấy báo có phóng viên đến, “thân mẫu” và vợ của nhà toán học nổi tiếng tỏ ra không vui, muốn chuyển hẹn khi khác. Nhưng GS Châu thì ngược lại. Anh vẫn lịch thiệp mời chúng tôi ngồi uống nước, điềm đạm trả lời các câu hỏi của “người hâm mộ”...Rồi đến khi tiễn khách về, nhà khoa học trẻ tuổi vẫn không quên nở một nụ cười đôn hậu và trìu mến với phóng viên.

Một kỷ niệm khác là khi điều tra về tác hại của các giếng xăng ở Bắc Giang với người dân, chúng tôi phải đến gặp TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc ở Bệnh viện Bạch Mai. Lúc đó, đã hơn 12 giờ rưỡi trưa, phóng viên đứng đợi ông trước phòng làm việc. Nhưng phải một lúc sau, nhà y học  mới về phòng, sau khi đi kiểm tra chữa trị bệnh nhân trong bệnh viện.

Thấy chúng tôi đặt vấn đề xin phỏng vấn 5 phút, ông bảo: “5 phút thì không nói hết được đâu. Thôi cứ đợi mình một lát, mình ăn cơm xong rồi trả lời. Mình mệt quá”.

Thế là 15 phút sau, vị tiến sĩ  hàng đầu về chống độc sau khi ăn vội vàng, vẫn sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của người dân, đưa ra các lời khuyên giúp họ giữ gìn sức khỏe.

Ông bảo, ngày xưa, những người như ông cũng xuất thân từ nông dân. Nên bây giờ, mỗi khi nông dân cần giải đáp gì, ông đều sẵn sàng giúp.

Chúng tôi cũng nhớ mãi kỷ niệm với PGS.TS Nguyễn Lân Cường (em trai GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội) khi tác nghiệp trong sự kiện phát hiện các ngôi mộ cổ ở khu Ciputra (Hà Nội) năm 2011. Hồi đó, TS Cường đã trực tiếp xuống hiện trường.

TS Nguyễn Lân Cường giải thích cho phóng viên về mộ cổ. Ảnh: Bảo Lâm

Khi thấy phóng viên tới, ông vẫy chúng tôi đi xuống dưới mộ, chui qua các lớp vòm, để ông chỉ vào hiện vật và giải thích về niên đại của những cổ vật này.

Rồi khi nhận được đề nghị giúp chúng tôi viết bài phân tích ngôi mộ cổ, nhà khoa học ấy đã thức đến 2 giờ sáng để hoàn thành bài viết và gửi cho tòa soạn lúc sáng sớm, khi ông trên đường lên Thái Nguyên để dự hội nghị của các nhạc sĩ (TS Nguyễn Lân Cường còn là nhạc sĩ)...

Những phóng viên của chuyên mục Cảnh báo – Tiêu dùng của Chất lượng Việt Nam, mỗi khi phát hiện các chất nghi ngờ độc tố trong các sản phẩm, hàng hóa, đều mang đến các cơ quan chức năng xét nghiệm và xin ý kiến của các chuyên gia như PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), GS.TSKH Trần Văn Sung (nguyên Viện trưởng viện Hóa học, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam)...Mỗi khi chúng tôi đến gặp hoặc gọi điện, gửi email, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh và GS Trần Văn Sung đều nhiệt tình giải đáp, và không hề yêu cầu “cảm ơn” bất cứ thứ gì.

Còn rất nhiều kỷ niệm đẹp và xúc động khác khi tác nghiệp với các nhà khoa học mà trong khuôn khổ bài viết, không thế nêu ra hết. Có thể nói, với đặc thù của nghề báo là được gặp gỡ mọi tầng lớp, chức sắc trong xã hội...chúng tôi luôn thấy rất thoải mái và tin tưởng mỗi khi được trò chuyện với các nhà khoa học.

Chuyện buồn

Không chỉ Chất lượng Việt Nam mà tất cả phóng viên tất cả các báo đều được các nhà khoa học giúp đỡ về các lĩnh vực chuyên môn sâu. Nhưng thật đáng tiếc, lại có những người cầm bút “thấy cây mà không thấy rừng, “vơ đũa cả nắm”…đã viết những bài báo sai lệch hoàn toàn về giới khoa học.

Những người này đã đăng những bài phê phán cả nền khoa học Việt Nam yếu kém, có 9000 giáo sư mà không có phát minh, ca ngợi nông dân làm máy bay để “hạ bệ” các nhà khoa học, với trí tưởng tượng rằng, các nhà khoa học không làm việc bằng nông dân…

Trớ trêu, đó lại là những tờ báo đã được đông đảo các nhà khoa học giúp sức, cống hiến và góp công gây dựng. Đó là những người cầm bút, mỗi khi muốn hoàn thành tác phẩm của mình, phải xin ý kiến của nhiều chuyên gia…

Nhưng chỉ vì “bản năng đanh đá”, muốn “đánh đấm” để khác người, để câu view…đã khiến nhiều người cầm bút và biên tập viên thành những kẻ “mù lòa” và vô ơn.

Món nợ

Hôm qua, 18/6, Quốc đã thông qua luật KHCN sửa đổi, là văn bản pháp lý được coi là đòn bẩy cho các nhà khoa học giỏi, vượt qua những rào cản về cơ chế tài chính, cơ chế hành chính…để toàn tâm cống hiến cho đất nước.

Trước đó, nhiều tờ báo đã đăng các loạt bài phân tích những hạn chế của việc cấp phát tài chính, chế đỗ đãi ngộ…bất hợp lý hiện hành và kiến nghị các hướng khắc phục.

Nhiều nhà báo và nhà khoa học đã và đang đồng hành trong sự nghiệp xây dựng đất nước, loại bỏ những vật cản đường.

Nhưng nhà báo vẫn còn nợ các nhà khoa học những bài điều tra vạch trần bộ mặt của những kẻ “đội lốt” nhà khoa học, “vẽ” dự án để ăn tiền, để xã hội biết được phải trái – đúng sai, chứ không “vơ đũa cả nắm”.

Nhà báo còn nợ người đọc những bài viết phản ánh công việc hy sinh thầm lặng của những người làm nghiên cứu và những đóng góp của các phát minh khi đi vào cuộc sống…

Phương Đông

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang