CIM – Hệ thống sản xuất tích hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả cho doanh nghiệp

author 10:38 31/12/2019

(VietQ.vn) - Là hệ thống đồng nhất được kết hợp bởi nhiều hệ thống riêng lẻ thông qua mạng nội bộ của tổ chức, hệ thống sản xuất tích hợp – CIM cho phép trao đổi thông tin liên tục giữa các phân đoạn của quy trình sản xuất và cũng nhờ đó mà cả dây chuyền có thể hoạt động trôi chảy hơn.

CIM đều đóng vai trò khác nhau đối với mỗi phân đoạn, cụ thể trong khâu lập kế hoạch: Dựa trên chiến lược phát triển sản phẩm và các đơn hàng trên thực tế, CIM sẽ tự động cập nhật dữ liệu, phân tích và điều phối các đơn hàng sao cho vừa phù hợp với chiến lược, trong khi tốc độ xử lý đơn hàng vẫn được đảm bảo.

Trong khâu thiết kế, khi nhận 1 đơn hàng, hệ thống sẽ tự động rà soát xem liệu thiết kế của đơn hàng đó có tồn tại hay không, nếu đã có thì chuyển đến phân hệ gia công, nếu chưa có thì đưa ra dạng sản phẩm đã tồn tại với mức độ giống nhất và chuyển đến cho hệ thống thiết kế. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của các phần mềm thiết kế như Solidword, Catia, AutoCAD,… các nhân viên của nhà máy sẽ xây dựng được hệ thống bản vẽ lắp, bản vẽ chi tiết, bản vẽ gia công của từng chi tiết, linh kiện.

Trong khâu sản xuất, CIM sử dụng các modul lập quy trình công nghệ tự động bằng giải pháp phần mềm lập trình để tối ưu hóa tính nhất quán của hoạt động sản xuất, điển hình như việc áp dụng quy trình theo kế hoạch được thiết lập bởi sự hỗ trợ của máy tính (Computer-aided process planning – CAPP). Ví dụ: Một quy trình sản suất bao gồm trình tự gia công, thời gian gia công, lượng nguyên liệu cần sử dụng sẽ được xây dựng hoàn toàn tự động trên phần mềm theo một mục tiêu duy nhất: Chi phí tối thiểu và lợi ích tối đa.

Trong công đoạn hoàn thiện và lưu kho: Các máy gia công được điều khiển tự động theo các lệnh và thông số theo công đoạn thiết kế và lập kế hoạch sản xuất để xuất ra thành phẩm. Sau quá trình này, các linh kiện được chuyển sang bộ phận tự động kiểm tra độ chính xác. Cuối cùng, sản phẩm được kiểm soát về số lượng và chất lượng trước khi chuyển về kho thành phẩm.

 Ảnh minh họa.

Thông qua vai trò của CIM, các nhà quản lý có thể dễ dàng nhận thấy những hiệu quả mà hệ thống này đem lại. Trong đó lợi ích điển hình có thể kể đến như: Giảm thời gian sản xuất. Với việc vận hành toàn bộ bằng hệ thống máy tính, khoảng thời gian dành cho việc thiết kế, lập kế hoạch, trao đổi thông tin giữa các bộ phận, vận chuyển sẽ hoàn toàn được giảm xuống mức tối thiểu. Từ đó chu kỳ sản xuất một sản phẩm sẽ được giảm đi, với lượng thời gian tương đương, năng suất lao động của cả dây truyền sẽ tăng lên; Giảm lỗi trong sản xuất: Việc vận hành tự động sử dụng các hệ thống Robot và không có sự tham gia của con người sẽ giúp cho giảm những lỗi do sai thao tác, sai quy trình, sai thông số, sai nguyên liệu,…;

Chi phí vận hành rẻ: Việc không sử dụng con người sẽ giúp làm giảm giá thành khi vận hành toàn bộ dây truyền; Giảm thiểu lượng nguyên liệu và thành phẩm tồn kho: Việc lên kế hoạch sản xuất chi tiết tới từng phút và việc trao đổi thông tin nhanh chóng giữa các bộ phận giúp cho lượng nguyên liệu trong kho luôn ở mức tối thiểu phục vụ đủ cho quá trình sản xuất; sản phẩm sau khi hoàn thành được thông báo luôn tới đơn vị giao hàng.

Hồng Vân

VNNIC công bố hệ thống đo chất lượng Internet cho người dùng Việt Nam(VietQ.vn) - Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT hôm nay đã công bố Hệ thống đo chất lượng truy cập Internet.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang