Có sai sót trong phổ điểm tất cả các môn của Bộ Giáo dục

author 06:57 26/07/2015

(VietQ.vn) - Theo nhận định của chuyên gia, có sự sai sót trong tất cả các hình vẽ phổ điểm các môn mà Bộ GD-ĐT công bố.

 

Phổ điểm THPT Quốc gia 2015
Phổ điểm THPT Quốc gia 2015

GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đã nhận xét: "Trước hết là cách trình bày phân bố điểm. Tôi biết là điểm thi trong khoảng 0 đến 10. Nhưng đó là điểm liên tục, tức là phải có số lẻ. Nhưng tại sao khi trình bày phân bố điểm toán, họ dùng thang điểm với khoảng cách 0.5 (như 0, 0.5, 1.0, 1.5, 2.0, 2.5, ...), còn điểm môn sinh học thì khoảng cách là 1 (tức là 0, 1, 2, ...). Sự thiếu nhất quán này rất khó giải thích. Trong khoa học mà trình bày dữ liệu như thế này là tác giả bị xem thường ngay.

Kế đến là cách dùng kí hiệu để vẽ không thích hợp. Họ dùng đường tuyến kí (line graph) để nối các điểm tần số với nhau, và cách chọn này là sai về mặt logic. Tuyến kí hay line graph chỉ dùng để thể hiện dữ liệu mang tính thời gian. Nói cách khác, nếu trục hoành là thời gian (như năm, tháng, tuần, v.v.) và trục tung à một đại lượng mang tính liên tục, thì có thể dùng tuyến kí để thể hiện. Ở đây, trục hoành là điểm và là biến liên tục, và trục tung là tần số (đếm), nên cách thể hiện tốt nhất là biểu đồ thanh (bar graph). Nếu cần màu mè chút cho vui thì tô đậm màu theo tần số của mỗi nhóm điểm như biểu đồ cho môn sinh học dưới đây (chú ý biểu đồ bên trái là của Bộ GDĐT, biểu đồ bên phải là tôi vẽ lại).

Sau cùng và quan trọng nhất là số liệu không nhất quán. Theo Bộ GD-ĐT thì năm nay có 1 triệu thí sinh dự thi. Với môn toán, văn và ngoại ngữ là những môn bắt buộc, chúng ta nghĩ sẽ có 1 triệu thí sinh thi các môn này. Nhưng biểu đồ tôi vẽ lại dưới đây (lấy từ số liệu do Bộ GD-ĐT cung cấp cho báo chí) thì môn có số thí sinh cao nhất chỉ 561124 em, như vậy số còn lại 440 ngàn em tại sao không thi?

Ngay cả môn toán cũng chỉ có khoảng 500 ngàn thí sinh, chỉ bằng phân nửa số dự thi! Tôi không hiểu tại sao có sự khác biệt quá lớn như thế này. Sự khác biệt này quan trọng vì rất nhiều bài báo bình luận đã dựa vào dữ liệu này của Bộ GD-ĐT, mà những bài bình luận đó không xem xét đến con số thật!

Nói tóm lại, qua những dữ liệu mà Bộ GD-ĐT cung cấp, tôi thấy lộ ra vài bất cập. Từ nội dung (con số không ăn khớp) đến hình thức trình bày đều có vài vấn đề cần phải cải tiến. Có thể vài bạn biện minh rằng hình thức chỉ là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. Tôi cũng muốn nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trong thực tế chính cái tư duy đó sẽ làm khổ và hại các em nghiên cứu sinh khi ra ngoài học tập và nghiên cứu, bởi vì người phương Tây không xem đó là chuyện nhỏ; họ nói rằng chuyện nhỏ làm còn chưa xong thì đừng nghĩ đến chuyện lớn. Và, tôi rất đồng ý với họ".

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, một chuyên gia khảo thí cũng nhất trí với đánh giá của GS Nguyễn Văn Tuấn và khẳng định, Bộ GD-ĐT đã "bỏ quên" một nửa thí sinh ở các môn khi thống kê.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang