Công nghệ lạc hậu, giá trị sản phẩm hóa dược đang đi xuống

author 08:45 27/07/2014

(VietQ.vn) - Công nghệ kỹ thuật lạc hậu khiến giá trị và sản lượng của một số sản phẩm hóa dược có chiều hướng ngày càng giảm sút, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của công nghiệp bào chế dược phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dược Việt Nam còn thấp đang ở cấp độ 2,5-3 theo cấp độ phân loại ngành dược của WHO. Cấp độ cao nhất theo phân loại này là 4 (sản xuất được nguyên liệu và phát minh thuốc mới), ngành dược Việt Nam chỉ mới sản xuất được thuốc gốc, xuất khẩu được một số dược phẩm, đa số vẫn phải nhập khẩu.

Ngành dược Việt Nam đang bị xếp hạng mức thấp về năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa

Đặc biệt từ năm 2009 các DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của DN nước ngoài tại Việt Nam được trực tiếp nhập khẩu dược phẩm khiến cho việc thuốc sản xuất trong nước phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn các loại thuốc nhập khẩu.

Theo các chuyên gia, để tăng cường năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các loại thuốc nhập khẩu; tăng năng lực cạnh tranh cho các DN dược đóng góp cho sự tăng trưởng, ngành dược phải khắc phục được một số hạn chế căn bản.

Trước hết phải phát triển công nghiệp sản xuất hóa dược: Do phát triển chưa cân đối, chỉ chú trọng tới mảng bào chế, không chú trọng đầu tư phát triển sản xuất nguyên liệu, vì vậy các DN dược Việt nam chưa tự chủ được nguyên liệu sản xuất thuốc.

Quy mô ngành công nghiệp dược Việt nam còn nhỏ bé, chủng loại sản phẩm nghèo nàn. Giá trị sản phẩm của ngành hóa dược còn thấp, sử dụng công nghệ kỹ thuật lạc hậu, chậm phát triển, sản lượng của một số sản phẩm hóa dược có chiều hướng ngày càng giảm sút, phát triển không cân đối, không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của công nghiệp bào chế dược phẩm.

Hơn 90% nguyên liệu cho sản xuất thuốc và phần lớn hóa chất cơ bản, hóa chất trung gian phải nhập khẩu do vậy các DN Việt Nam bị lệ thuộc thuộc vào sự chi phối.

Công nghệ lạc hậu, ngành dược hiện chưa có đầu tư vào các dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên dụng. Ảnh minh họa

Về lao động: Hệ thống và phương pháp đào tạo chậm đổi mới tạo ra nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu mới. Số lượng các nhân viên kỹ thuật tại các DN sản xuất dược Việt Nam có đủ trình độ chuyên môn trong các bộ phẩn sản xuất nghiên cứu và phát triển, xây dựng sản phẩm, kiểm soát chất lượng và đảm bảo chất lượng còn hạn chế. Có rất ít hoặc hầu như không có chuyên gia về toàn bộ chuỗi giá trị có thể cung cấp ý kiến tư vấn kỹ thuật về gái trị an toàn, công hiệu, chi phí hiệu quả, và giá trị về điều trị thuốc.

Về công nghệ: Hầu hết các DN (75%) sử dụng thiết bị tự động cục bộ và riêng lẻ cho mỗi giai đoạn của quy trình sản xuất thuốc thành phẩm và 50% máy móc thiết bị sử dụng trong sản xuất đều là thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện đã có xu hướng chuyển đổi từ sử dụng thiết bị nhập khẩu sang sử dụng thiết bị được sản xuất trong nước. Hiện nay có 10 công ty sản xuất máy móc và thiết bị sản xuất dược phẩm tại Việt Nam.

Về công suất, dạng bào chế trong các công ty dược: Sản xuất thuốc trong nước khá đa dạng về dạng bào chế như dung dịch truyền, thuốc tiêm, kháng sinh; thuốc tiêm đông khô và các dạng thuốc khác bao hàm tất cả các nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là hoạt động đầu tư của DN vào dây chuyền sản xuất thuốc hiện còn chồng chéo với trọng tâm chính vào các dạng bào chế thông thường mà chưa có đầu tư vào các dạng bào chế đặc biệt và thuốc chuyên dụng. Thuốc sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào các loại thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, kháng sinh, thuốc kháng viêm như paracetamol, amoxicillin….

Một số loại loại thuốc hầu như không được sản xuất trong nước như thuốc gây mê, gây tê, thuốc giải độc đặc biệt, thuốc chống ung thư và các loại thuốc tác động lên hệ miễn dịch, thuốc chống Parkinson, các loại thuốc tác động lên quá trình đông máu; chế phẩm máu; sản phẩm chẩn đoán.

Phần lớn các DN Việt nam đều quan tâm đến nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là phát triển các công thức thuốc mới. Tuy nhiên, mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của các DN này lại không đáng kể, chỉ khoảng 5% doanh thu bán hàng cho ngành công nghiệp.

 

 

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang