Đã có hơn 1,3 triệu C/O được giải quyết qua Cơ chế một cửa ASEAN

author 15:18 29/06/2021

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan đến nay đã có hơn 1,3 triệu C/O được giải quyết qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 6/2021, Việt Nam tiếp tục trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước trong khối ASEAN (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines) thông qua ASW.

Cụ thể, từ 1/1 đến 15/6/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 107.152 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 622.987 C/O. Lũy kế đến ngày 15/6/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 366.458 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 939.460 C/O.

Để nâng cao hiệu quả ASW, Tổng cục Hải quan cho biết, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN và chứng nhận kiểm dịch thực vật. Theo kế hoạch của ASEAN, 2 chứng từ này dự kiến sẽ được kết nối trao đổi trong năm 2021.

Hơn 1,3 triệu C/O đã được giải quyết qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Ảnh minh họa 

Liên quan tới hoạt động chứng nhận xuất xứ hàng hóa, Tổng cục Hải quan cũng có văn bản hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và EVFTA.

Tổng cục Hải quan cho biết, trước đó cơ quan này nhận được một số phản ánh về vướng mắc của hải quan địa phương và doanh nghiệp liên quan đến sử dụng bản điện tử của chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Tháo gỡ vướng mắc, Tổng cục Hải quan cho biết đối với các lô hàng nhập khẩu có mã số REX có trị giá trên 6000 Euro theo quy định tại EVFTA và các lô hàng nhập khẩu theo quy định tại Hiệp định CPTPP, cơ quan Hải quan chấp nhận hình thức chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được cấp điện tử và gửi cho người nhập khẩu trên hệ thống quản lý chung của cùng một tập đoàn hoặc được gửi thông qua các phương thức điện tử khác.

Các hình thức tự chứng nhận xuất xứ này được người khai hải quan nộp cho cơ quan Hải quan theo hình thức đính kèm tờ khai hải quan nhập khẩu thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Cơ quan Hải quan không yêu cầu người khai hải quan nộp bản giấy chứng từ tự chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP, mẫu EVFTA nếu các chứng từ này đã được người khai hải quan đính kèm trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chứng từ tự chứng nhận xuất xứ do người khai hải quan nộp trên hệ thống để xác định xuất xứ hàng hóa theo quy định. Hướng dẫn của Tổng cục Hải quan căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Hải quan 2014; quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu và các văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ Công Thương. Căn cứ quy định Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và quy định tại Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang