Đặc sản gắn liền danh thắng

author 09:42 14/02/2013

(VietQ.vn) - Đầu xuân năm mới du xuân, lễ phật, bạn hãy nhớ tìm tới các món đặc sản gắn liền với những điểm đến ở miền Bắc.

Chất lượng Việt Nam “điểm danh” một số món đặc sản gắn liền với những điểm du xuân mà du khách nên biết.

Rau sắng chùa Hương (Hà Nội)

"Muốn ăn rau sắng chùa Hương

Tiền đò ngại tốn con đường ngại xa

Mình đi ta ở lại nhà

Cái dưa thì khú cái cà thì thâm"...

Món canh rau sắng - một đặc sản của người dân vùng danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương))
Món canh rau sắng - một đặc sản của người dân vùng danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương)

Bài thơ Rau sắng chùa Hương của thi sĩ Tản Đà nói về rau sắng đã làm nên một giai thoại nổi tiếng trong thi ca với giới tao nhân mặc khách. Và thứ rau mọc ở đất Phật Hương Sơn vì thế được gần xa biết đến như một sản vật đặc sắc mà dân dã.

Rau sắng được trồng và mọc tự nhiên nhiều ở vùng Hương Sơn (Mỹ Đức) hay Kim Bảng (Hà Nam). Nếu đi lễ hội, cái ồn ã, xô bồ thô tục sẽ mờ lu đi khi bạn thanh thản thưởng thức bát canh rau sắng.

Rau sắng có hai loại: sắng đen và sắng trắng. Khác nhau vì sắng đen lá sẫm màu, lá nhỏ nhưng dày hơn, bóng láng hơn. Khi nấu canh cũng ngọt đậm đà hơn. Mùa đông sắng rụng hết lá. Khi mưa xuân ấm áp, núi rừng nao nức lễ hội chùa Hương, thân cây bắt đầu tua tủa mọc ra những chồi non. Người dân bắt đầu khai thác đợt rau sắng đầu tiên.

Canh rau sắng có thể nấu với cá rô, cá quả, thịt nạc, thịt gà, sườn, giò sống hay tôm nõn… Khi không có thịt cá, chỉ rau sắng nấu suông thôi cũng đủ ngọt ngon lắm rồi. Đặc biệt, với những người sành ăn, khi nấu suông như vậy mới cảm nhận được hết hương vị của rau sắng. Bát canh xanh ngắt thơm mát lành.

Rượu mơ Yên Tử (Quảng Ninh)

Rượu mơ từ lâu đã được nhân dân trong vùng sản xuất và bán cho du khách đến với Yên Tử.

Sau khi du khách đã thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của chốn non thiêng Yên Tử sẽ có dịp thưởng thức chén rượu sóng sánh màu vàng hổ phách với hương vị nồng ấm, men say ngây ngất. Rượu mơ Yên Tử có vị chua, ngọt đậm đà khiến du khách có cảm giác nâng nâng khoan khoái. Đặc biệt, rượu mơ Yên Tử rất có lợi cho sức khoẻ, có tác dụng chữa các chứng ho, khó thở, hen suyễn, mát gan...

Rượu được làm từ quả mơ ở vùng Yên Tử đã trở thành đặc sản không phải vùng miền nào cũng có

Ngoài rượu mơ nổi tiếng, măng trúc Yên Tử cũng đã được xếp vào “top” 10 đặc sản Việt Nam.

Măng trúc ở Yên Tử là đặc sản có trong sách kỷ lục Việt Nam

Khi lấy măng về, bóc lớp vỏ ngoài, còn lại phần thân măng, thái lát nhỏ hoặc cắt khúc để chế biến các món ăn. Đặc biệt, khi nấu chín loại măng này hầu như không còn mùi hăng của măng tươi, không có vị đắng như nhiều loại măng khác. Đặc biệt, măng có thể để nguyên cả bẹ, nhúng vào nước sôi rồi nướng than, đến khi bóc bẹ mùi thơm của măng tỏa ra, món này chấm với muối vừng ăn rất ngon.

Bánh cáy Thái Bình

Bánh cáy từ bao đời nay đã trở thành một niềm tự hào của người dân tỉnh Thái Bình. Mỗi khi đi hành hương, thăm quan danh thánh Chùa Keo ở Thái bình, du khách thập phương thường tìm mua bánh cáy để ăn và làm quà.

Bánh được làm hoàn toàn từ những nông sản của địa phương như gạo nếp, mứt bí, dừa, vừng (mè), lạc (đậu phộng). Sở dĩ bánh có tên là bánh cáy bắt nguồn từ câu chuyện mang tính kỳ thú vẫn được kể lại ở làng Nguyễn.

Hương vị cay cay, thơm nhẹ hòa quện của nhiều loại đặc sản làm ra bánh cáy khiến thực khách nhớ mãi

Chuyện kể, một bà lão quanh năm làm ruộng tự chế biến được một món bánh có tên bánh cay từ gạo nếp, gừng tươi... Bà mang món bánh dâng lên Vua và được ngợi khen, làng Nguyễn từ đó nức tiếng với món bánh cay độc đáo.

Bánh cáy làng Nguyễn được chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, gồm có nếp cái hoa vàng tròn mẩy, gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí dẻo thơm, mạch nha, tinh dầu hoa bưởi.

Bánh cáy ngon là vừa đủ độ dẻo, ngọt, gạo nếp, lạc vừng dậy mùi. Cắn miếng bánh thấy cái lạ miệng khi trong đó có mứt bí, cơm dừa deo dẻo, gừng tươi cay nồng. Ăn bánh cáy mà uống thêm chén trà nóng là đúng kiểu.

Đến nay, bánh cáy Thái Bình đã có tuổi đời hơn 200 năm nhưng bánh cáy làng Nguyễn vẫn giữ được chất bánh ngon, thơm, cổ truyền. 

Bánh gai Nam Định

Về Nam Định đi lễ Đền Trần, đi chợ Viềng, ai ai cũng muốn mua cho mình một cọc bánh gai.

Người Thành Nam (Thành phố Nam Định) có bánh gai Cầu Ốc, xã Lộc Hòa, nổi tiếng. Bánh gai Cầu Ốc đặc biệt hơn là nhân được làm bằng hột bàng và gói bằng lá chuối ngự khô. Bánh ngọt, bùi, thơm mùi lá gai, béo ngậy của hạt bàng.

<br>
Bánh Gai mang hương vị đặc trưng của vùng đất Thành Nam

Để làm được món bánh gai ngon, các cơ sở sản xuất phải đặt mua lá gai từ tháng 3 tháng 4. Chọn lá gai không sâu hỏng, rửa sạch phơi khô, tước gân đi, nghiền nhỏ thành bột, cho vào túi vải ninh ba, bốn giờ (càng lâu càng tốt) để làm mất chất chát của lá gai.

Trọng lượng của bánh khi hấp chín thường từ 100g đến 200g. Bánh chín mở ra vuông vắn, màu đen tuyền, thơm mùi lá gai và nếp hương nguyên chất.

Cơm cháy Ninh Bình

Khi nhắc đến ấm thực của đất cố đô Ninh Bình, không thể không nhớ đến câu "rượu ngon, cơm cháy, thịt dê". Sau khi đi lễ chùa Bái Đính, đi thăm Nhà thờ đá Phát Diệm, thăm khu danh thắng Tràng An, Bích Động, món cơm cháy ròn tan sẽ làm du khách nhớ mãi về đất cố đô ngoài những danh thắng nổi tiếng.

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19.

Cơm cháy là một trong 3 "đỉnh thực" của vùng đất Cố Đô

Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị thơm cốm mới mà vẫn nặng nghĩa tình phù sa.

Cơm cháy ngon, đúng tiêu chuẩn phải chọn gạo rất cầu kỳ, thường là gạo tẻ thơm dẻo, pha thêm tỷ lệ thích hợp với gạo nếp hương hoặc tám thơm.

Hương vị đặc biệt của nó còn nằm ở sự kết hợp giữa miếng cơm và các loại thức ăn kèm. Cầu kỳ hơn, người ta khéo léo khi dùng nước xốt, nước mắm mỡ hành, tôm băm hoặc thịt chà bông… làm thức ăn kèm cho món đặc sản này. Thông thường có thịt hoặc tim, cật lợn làm súp với một số loại rau như hành tây, nấm rơm và cà chua. Nước xốt ăn kèm cơm cháy thường có vị cay, thơm, đủ độ sánh để ngấm vào miếng cháy. 

Bánh Phu thê – Đặc sản của văn hóa Kinh Bắc

Ngoài những điểm du lịch, thăm quan, bái phật cầu may đầu năm ở Bắc Ninh rất nổi tiếng như Chùa Dâu, Đền Đô, Đền Bà Chúa Kho… món bánh phu thê được coi như là hồn cốt của văn hóa Kinh Bắc. Bánh phu thê cũng là thứ bánh sang trọng dùng trong những dịp lễ Tết, cưới hỏi hoặc dùng làm quà biếu.

Được gói bằng những tấm lá dong giản dị, rồi luộc lên, bánh phu thê không khoe mùi tỏa hương như bánh rán, bánh khúc; chỉ tới khi bóc bánh đặt lên đĩa sứ người ta mới thật sự ngỡ ngàng.

Bánh Phu Thê hay còn gọi là bánh Su Suê - đặc sản của vùng văn hóa Kinh Bắc

Dưới lớp vỏ bánh sắc vàng trong suốt rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh hiện ra. Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị.

Bột làm bánh phải được làm từ gạo nếp, sau đó lọc lấy chất tinh, ép cho ráo nước rồi phơi khô. Tới khi làm bánh phải dùng nước quả dành dành nhào bột để lấy mầu sắc tự nhiên chứ không được pha phẩm mầu.

Người ta còn nạo đu đủ xanh, ngâm phèn rồi cắt nhỏ nhào lẫn với bột để bánh có thêm độ giòn. Khi ăn bánh ta sẽ thấy độ dẻo của nếp, độ giòn của đu đủ, độ ngậy của đỗ xanh, vị béo của cùi dừa, vị bùi của hạt sen, vị ngọt của đường..., tất cả hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh bẻ khuôn hình vuông bằng lá dừa, như biểu tượng vuông tròn của triết lý âm dương.

6 món đặc sản đất Vua Hùng

Đất Vua Hùng - Phú Thọ có 6 đặc sản được ghi tên vào danh sách kỷ lục món ngon Việt Nam.

Giống bưởi Đoan Hùng - Đặc của vùng Đất tổ Vua Hùng

Trong đó có Hồng Gia Thanh, Hồng Hạc, Bưởi Đoan Hùng, Cọ Cẩm Khê, Trám (đen, trắng) và 1 món thịt chua đã rất nổi tiếng từ xa xưa.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang