Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người nữ Anh hùng

author 18:25 19/10/2013

Nữ Anh hùng từng là Thanh niên xung Nguyễn Thị Kim Huế phong vinh dự được 5 lần gặp Bác Hồ. Bà cũng là người được gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi như người thân...

5 lần được gặp Bác Hồ

Lần đầu, tháng 11/1966, bà Nguyễn Thị Kim Huế được cử ra Hưng Yên tập huấn tại Trường chính trị nghiệp vụ Thanh niên xung phong Trung ương. Buổi chiều kiểm tra môn bắn súng; cả 3 lần bắn bà đều đạt điểm xuất sắc. Thấy cô gái nhỏ nhắn, bắn súng giỏi, Bác đã đến thăm hỏi và khen. Hôm tổng kết lớp, Bác Hồ khen: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”. Đó là lần đầu tiên nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế được vinh dự gặp Bác Hồ.

Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế

Nữ Anh hùng được gặp Bác Hồ

Cuối năm 1966, Nguyễn Thị Kim Huế lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu của ngành giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác Hồ. Nguyễn Thị Kim Huế được Bác hỏi chuyện về đơn vị, công việc và cuộc sống. Một lần Bác hỏi: Cháu có chồng chưa? Bà không dám trả lời vì sợ Bác phê bình là tảo hôn. Nhưng Bác biết, Bác hỏi bao giờ thì sinh con. Bà đáp: “Khi nào hết giặc Mỹ, thì cháu mới sinh con”. Bác bảo: “Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình”.

Lần thứ ba, bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ là dịp Đại hội Anh hùng toàn quốc, tháng 1/1967. Bà vinh dự được Bác Hồ gắn huy hiệu và tặng một chiếc đồng hồ Liên Xô.

Lần thứ tư được gặp Bác (tháng 71967), tại Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc, đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Lần này bà Nguyễn Thị Kim Huế cùng với bà Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng đội phó Tổng đội Thanh niên xung phong miền Nam vinh dự được tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khoảnh khắc ấy đã được ghi lại bằng bức ảnh đăng trên báo, tạp chí từ đó đến nay.

Lần thứ năm, bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác Hồ là lúc chuẩn bị sang Liên Xô. Đoàn của bà được gặp để nghe Bác dặn dò. Lần đó, đoàn được Bác mời cơm tại Phủ Chủ tịch. Bà Nguyễn Thị Kim Huế nhớ lại: “Trong bữa cơm, một hạt cơm vô tình bị rơi ra ngoài, Bác cầm lên và dặn: Hạt cơm từ hạt gạo mà ra. Người nông dân làm ra hạt gạo là biết bao nhiêu công sức. Từ cày bừa, gieo hạt đến khi thu hoạch đem xay giã, giần, sàng, nấu chín mới thành hạt cơm Bác cháu ta ăn. Vì vậy hạt gạo là hạt ngọc...”.

Hơn 40 năm đã qua, nhưng câu chuyện của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế kể cho chúng tôi nghe như mới ngày hôm qua.

Bà Nguyễn Thị Kim Huế là một trong 3 Thanh niên xung phong đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có nhiều sáng kiến bảo vệ thông xe trên tuyến lửa đường 12A.

Bây giờ với thương tật 25%, chồng mất, bà tần tảo nuôi 3 con khôn lớn. Người con cả của bà, anh Trần Trọng Hiền, đang là cán bộ Công ty cổ phần sửa chữa đường bộ II, tiếp bước mẹ, đang tham gia thi công con đường 12A thời kỳ công nghiệp hóa.

Đau xót khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, sự mất mát với bà như là lẽ thường của tạo hóa. Vậy mà khi cầm tờ báo Quảng Bình, số đặc biệt ngày 7.10 đăng tải những thông tin về sự ra đi của Đại tướng, khóe mắt người anh hùng đã chai sạn vì khói bom vẫn không kìm được những giọt nước mắt thương nhớ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt đoạn liên tục bởi tiếng nấc không thành lời khi nhắc về những kỷ niệm cùng Đại tướng...

Anh hùng Nguyễn Thị Kim HuếAnh hùng Nguyễn Thị Kim Huế ngắm nhìn ảnh Đại tướng đăng tải trên Báo Quảng Bình ngày 7-10 và nhớ lại những kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

"Tháng 1.1967, sau khi tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc tại Hà Nội, Đại tướng mời đoàn Quảng Bình về nhà chơi. Lúc đó đoàn có 11 anh hùng cùng Thường vụ Tỉnh ủy, tui là người trẻ nhất (bà được phong anh hùng khi mới 24 tuổi)  nên khi nghe từng người báo cáo thành tích lao động, chiến đấu... Đại tướng hỏi thăm hoàn cảnh, động viên từng người và gọi yêu là “ nhóc con”.

Lần đầu tiên được gặp Đại tướng, tui cùng anh chị em trong đoàn hồi hộp lắm nhưng khi gặp nói chuyện cùng người ai cũng vui vẻ thoải mái. Ở nhà Đại tướng mà như ở nhà mình, cảm giác gần gũi thân thiết như người con, người em nói chuyện với người cha, người anh trong gia đình. Đại tướng mời kẹo và bóc cho từng người trong đoàn. Đại tướng căn dặn cả đoàn: “Quảng Bình đã anh hùng rồi, đã hai giỏi rồi thì càng phải phát huy truyền thống anh hùng, truyền thống quê hương hai giỏi”. Lời dặn của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người, ai cũng sục sôi khí thế thi đua lao động sản xuất, chiến đấu. Sau đó đoàn về Quảng Bình, còn tui được Trung ương Đoàn giữ lại báo cáo thành tích sản xuất và chiến đấu cho các đơn vị trên toàn miền Bắc.

Những lần sau đó, tui được gặp và trò chuyện cùng Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà nhiều và mỗi lần như thế tui càng thêm khâm phục tài năng, đức độ của Người.  Trước khi rời Hà Nội, Đại tướng gọi lên dặn: “Đảm việc nước rồi phải đảm việc nhà nữa. Cố gắng lên, sản xuất cho giỏi, chiến đấu cho giỏi”. Những lời dặn ân cần của Đại tướng là nguồn động viên vô cùng to lớn giúp tui vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống...".

Năm 2005, bà cùng đoàn cựu thanh niên xung phong miền Bắc vô thăm miền Nam, trước khi đi đoàn đến thăm chúc sức khỏe Đại tướng tại nhà riêng.

Gần 40 năm gặp lại, “Kim Huế à, khỏe không, bữa ni răng rồi?” câu đầu tiên Đại tướng hỏi. Người anh hùng thanh niên xung phong nay đã lên chức bà bỗng hóa thành “con nhóc” năm nào:

- “Thưa Đại tướng phu nhân mô rồi ạ?”

- “Chị mi mới đi mổ ruột thừa về đó”, Đại tướng nói.

Bà Đặng Bích Hà bước ra bên cửa, ôm chầm lấy: “Kim Huế, răng già dặn, gầy gò rứa, khổ lắm hả em?” Tui hiểu rằng đã từ lâu, gia đình Đại tướng coi mình như người thân trong gia đình...

Đối với tui, Đại tướng như một người Cha, một người Anh lớn. Biết Đại tướng tuổi cao, chuyện tử sinh là lẽ thường không ai tránh được, nhưng khi nghe tin Đại tướng mất tui không khỏi bàng hoàng, có một cái gì đó hụt hẫng, chới với như mất đi một người thân, mất đi một chỗ dựa...

Trong căn nhà nhỏ còn in dấu tích của cơn bão số 10, người nữ anh hùng lặng lẽ lần giở từng trang ký ức về Đại tướng và bão lòng đã nổi...

Theo VOV, báo Quảng Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang