“Dàn quân” đảm bảo thực phẩm sạch dịp Tết

author 15:51 24/01/2013

(VietQ.vn) - Gần Tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân lại tăng cao, kéo theo đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được chú trọng. Do đó, các cơ quan chức năng tích cực tăng cường các đợt kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng trong dịp Tết Quý Tỵ sắp tới.

Tăng cường kiểm tra hàng hóa Tết

Nắm bắt tâm lý tiêu dùng của người dân trong những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm đã tập trung nhiều nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của các “thượng đế”. Tuy nhiên, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực đông dân cư thời gian qua gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, trong dịp Tết, tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép, nhập lậu vào địa bàn rất phức tạp.

Tất cả các lực lượng cùng vào cuộc kiểm tra.
Tất cả các lực lượng cùng vào cuộc kiểm tra.

Về vấn đề này, Hà Nội đang đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương để tăng cường tuyên truyền, kiểm tra liên ngành đối với hàng trăm nhà hàng, cơ sở sản xuất và đã xử phạt hàng tỷ đồng; thu giữ và tiêu hủy lượng lớn hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm ở một số công ty, doanh nghiệp sản xuất, chợ đầu mối kinh doanh thực phẩm lớn.

Đoàn kiểm tra đã đến một cơ sở sản xuất thực phẩm lớn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ngoài ra, hai bộ trưởng cũng kiểm tra thực phẩm, bánh kẹo ở chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội) và một số cửa hàng giò, chả trên phố Hàng Bông.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có nhiều cửa hàng, nhà hàng, nhiều vùng sản xuất nên không thể đủ lực lượng để kiểm tra tất cả. Vì vậy, tới đây cần phân loại các nhà hàng, các cơ sở chế biến, các ngành nghề kinh doanh, qua đó tập trung kiểm tra các lĩnh vực nguy cơ mất an toàn cao. Nếu đơn vị nào sai phạm, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý và đặc biệt quan tâm, kiểm tra lại nhiều lần đối với những đơn vị sai phạm nặng.

Cũng tương tự, ở lĩnh vực trồng trọt nông sản, cần tập trung tuyên truyền, khuyến cáo bà con không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, chất độc hại và tiến hành phân loại những mặt hàng này, đồng thời tăng cường kiểm tra. Năm 2013, Bộ sẽ ưu tiên tập trung kiểm tra các lĩnh vực rau, củ, quả và thịt tươi sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, các loại thức ăn và rượu độc hại đã tác động rất lớn tới sức khỏe nhân dân và cũng là nguyên nhân chính gây ung thư, ngộ độc thần kinh. Các loại thực phẩm nhập lậu không những ảnh hưởng sức khỏe mà còn "bóp chết" nền sản xuất trong nước. Vì vậy, giải pháp mà Bộ Y tế thấy cần thiết nhất trong thời gian tới là tăng cường lực lượng đi lấy mẫu để phân tích xét nghiệm. Việc này sẽ giúp phát hiện kịp thời các địa điểm thường xuyên sai phạm, cũng như góp phần tích cực phòng ngừa sai phạm. Hiện nay, các thủ đoạn đối phó ngày càng tinh vi nên việc phòng chống cũng cần quyết liệt và trí tuệ hơn.

Trong dịp Tết năm nay sẽ có 8 đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập. Các đoàn tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như rượu, mứt, bánh kẹo, thực phẩm, gia súc, gia cầm. Công tác thanh, kiểm tra chú trọng những cơ sở có dấu hiệu vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp, hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

Liên tiếp xử lý các vụ việc vi phạm

Bên cạnh 8 đoàn thanh tra của Bộ, TP Hà Nội cũng lập 6 đoàn liên ngành để đảm bảo người dân được tiêu dùng thực phẩm chất lượng, an toàn. Với những đơn vị vi phạm, cơ quan chức năng sẽ công khai danh tính, mức độ để người tiêu dùng biết, phòng tránh. Đồng thời, những cơ sở sản xuất có người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm mà không có giấy chứng nhận sức khỏe, không khám sức khỏe định kỳ sẽ bị xử lý.

Những mặt hàng phục vụ Tết sẽ được tập trung kiểm tra.
Những mặt hàng phục vụ Tết sẽ được tập trung kiểm tra.

Trước đó, nhiều vụ việc vi phạm đã được các cơ quan chức năng kịp thời bắt giữ và xử lý. Ông Cấn Xuân Bình - Chi Cục phó phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, cho biết, năm 2012, chi cục đã kiểm tra và tiêu hủy 21.897 con gia cầm, 78.430 kg sản phẩm gia súc, gia cầm và 65.013 quả trứng không rõ nguồn gốc. Riêng tháng 12/2012 đã bắt và tiêu hủy được 5- 6 vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc với số lượng 6 tấn. Gần đây, quản lý thị trường thành phố liên tiếp phát hiện các vụ nhập lậu thực phẩm bẩn với hàng chục ngàn chai nước giải khát, bánh kẹo và thực phẩm đông lạnh kém chất lượng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhìn nhận, việc chăn nuôi, giết mổ còn nhỏ, lẻ, khó kiểm soát; tình hình buôn bán hàng nhập lậu diễn biến phức tạp; lực lượng phòng chống mỏng; còn nhiều chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ liên quan. Nhưng để kiểm tra chặt việc kinh doanh thực phẩm bẩn, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo, các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn cung đảm bảo ATVSTP, hạn chế nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc dán mác, kiểm định cũng như tăng cường công tác quản lý với hàng hóa nhập khẩu ngay từ biên giới, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nhân dân nhận biết thực phẩm sạch…

Tuy nhiên, thiết nghĩ bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hơn ai hết những người sản xuất, kinh doanh cũng cần đề cao lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của mình, đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất lương tri.

Còn phía người tiêu dùng hãy luôn tỉnh táo, sáng suốt trong việc lựa chọn những loại sản phẩm an toàn. Không mua các loại thực phẩm đóng bao gói sẵn không có nhãn mác, chỉ mua các loại có nhãn đầy đủ như tên thực phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, định lượng thực phẩm, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng...

Tuấn Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang