'Dân toàn uống thuốc bã thì làm sao khỏi bệnh được?'

author 09:42 26/03/2016

ĐBQH Nguyễn Văn Tiên, bức xúc về việc người dân phải uống toàn thuốc bã vì dược liệu nhập của chúng ta chủ yếu là các loại dược liệu đã bị chiết xuất hóa chất...

Theo đại biểu Tiên (đoàn Tiền Giang), vấn đề sử dụng dược liệu là một vấn đề rất băn khoăn trong quá trình làm. Hiện nay dược liệu của Việt Nam đa số nhập của nước ngoài và trình độ của chúng ta không có khả năng kiểm soát được dược liệu này, tiêu chuẩn đến đâu, tiêu chuẩn chất lượng.

“Có đại biểu nói cứ ban hành tiêu chuẩn chất lượng và trang bị kỹ thuật thì chúng ta kiểm soát được chất lượng, nhưng việc này tôi cho rất khó khăn về mặt kỹ thuật”, đại biểu Tiên nêu quan điểm.

Đề nghị chỉ định thầu dược liệu trong nước

Theo đại biểu Tiên, dược liệu nhập của chúng ta chủ yếu là các loại dược liệu đã bị chiết xuất hóa chất, hoạt chất thành các thuốc dược liệu ở nước bạn sau đó xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4 đến 1/3 giá dược liệu trong nước.

“Vậy, chúng ta cứ tuân theo Luật đấu thầu thì làm thế nào? Nếu cứ sử dụng những dược liệu này thì ngành y học cổ truyền của Việt Nam dần dần sẽ triệt tiêu. Vì dân uống thuốc mà toàn thuốc bã như thế thì làm sao khỏi bệnh được. Chúng tôi đề nghị một nguyên lý thế này không biết Quốc hội có chấp nhận được không?”, đại biểu Tiên bức xúc.

Thứ nhất, đại biểu Tiên cho biết, trong dự thảo đã giao cho Chính phủ quy định việc nhập khẩu dược liệu, phép hay không phép đấy là quyền của Chính phủ, giao cho Chính phủ, nhưng dược liệu ở trong nước sử dụng trong thuốc, tôi đề nghị chỉ định thầu.

“Thực tế hiện nay ở các vùng trồng dược liệu, nhân dân rất sẵn sàng, doanh nghiệp rất sẵn sàng nhưng vì dược liệu đấu thầu giá rẻ, cho nên trồng không bán được, không ai mua”, đại biểu Tiên cho biết.

Bởi vậy, đại biểu Tiên đề nghị trong luật này nếu quy định được dược liệu sử dụng trong các cơ sở y học cổ truyền chỉ định thầu thì các doạnh nghiệp Việt Nam sẽ bung ra và sẽ liên kết với người dân ở các vùng miền núi, những nơi họ trồng dược liệu và được lợi cho cả hai bên, lợi cho người bệnh nhân, lợi cho nông dân và lợi cho đất nước, chúng ta quy định một điều như thế này mới thành công.

“Còn trong này chúng tôi thấy dự thảo chỉ quy định mức giá hợp lý cũng rất khó khăn vì đấu thầu chắc chắn sẽ theo nguyên lý anh nào rẻ thì anh ấy được. Đây là vấn đề thứ hai xin Quốc hội quan tâm”, đại biểu Tiên nêu quan điểm.

Vấn đề thứ ba, Điều 117, Điều 118, công bố giá thuốc trúng thầu. Hiện nay dự thảo luật quy định giao cho Bộ y tế công bố theo tư liệu mà bảo hiểm xã hội Việt Nam cung cấp nhưng có tình trạng thế này.

“Theo Luật đấu thầu thì mọi chuyện đấu thầu xong là phải chấp hành dù sai hay đúng, cao hay thấp, trừ trường hợp vi phạm thì cơ quan cảnh sát mới vào. Thực tế diễn ra tình trạng giữa hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng, địa phương này 1 đồng, địa phương kia 1,5 đồng, lý rất đúng nhưng tình rất gian. Tức là mọi sự đúng quy trình, mọi sự đúng pháp luật, chỉ có tiền là nhà nước mất là khác”, đại biểu Tiên nêu thực trạng.

Theo đại biểu Tiên, trong Luật đấu thầu chúng tôi kiểm tra cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào.

“Cho nên chúng tôi đề nghị trong luật này nếu quy định khi giá thuốc tối đa được công bố bởi Bộ Y tế nếu cảm thấy giá thuốc chênh lệch bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ và Chính phủ xử lý để điều chỉnh giá thuốc này cho phù hợp.

Chúng ta không thể đầu hàng chuyện đấy được, bây giờ mất tiền rõ ràng như vậy mà đầu hàng vì quy định pháp luật thì chúng tôi thấy không hợp lý.

Cho nên xin Quốc hội quy định được một điểm này, tức là khi thấy bất hợp lý thì Bộ Y tế hay Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Chính phủ phải xử lý để điều chỉnh cho hợp lý”, đại biểu Tiên kiến nghị.

Thuốc nhập 4 triệu đồng mà bán lên tận 14 triệu đồng

Về vấn đề giá thuốc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, đoàn Ninh Thuận, cho rằng theo quy định của luật thì không có quy định nào ở trong luật về việc độc quyền nhập khẩu thuốc.

Tuy nhiên, trong thực tế lại có chuyện hạn chế trong quá trình cấp phép và sự hạn chế này đôi khi chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Vì việc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian đẩy giá thuốc lên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

Ví dụ, một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng.

“Tôi nghĩ thật vô lý nếu người dân ta còn nghèo mà dùng thuốc giá cao như vậy. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc”, đại biểu Cương kiến nghị..

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, đoàn TP.HCM, cũng cho rằng cần phải  bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân một số mặt hàng thuốc giá vẫn còn cao. Đó là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớn trung gian và cũng như tiêu cực trong kê đơn.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. Nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này thì cũng sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, với gần 2000 công ty phân phối và một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn chi phí sẽ đội lên”, đại biểu Lan kiến nghị.

Về phía bệnh viện, đại biểu Lan đề nghị không chỉ có một giải pháp đấu thầu mà chúng ta cần phải mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay Bảo hiểm y tế đàm phán được.

“Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn”, đại biểu Lan cho biết.

Theo Bizlive


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang