Dấu ấn đàn chim Việt - LS Nguyễn Hải Đăng: May mắn không tự nhiên có

author 18:57 27/04/2021

(VietQ.vn) - Tại hội thảo trực tuyến “Chìa khóa du học - Dấu ấn đàn chim Việt” do TS. Lý Quí Trung phối hợp cùng Viện ISB-Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức vừa qua, luật sư Nguyễn Hải Đăng đã có những chia sẻ cởi mở về hành trình du học của mình tại Úc và những thành công trong nghề Luật ở nước ngoài.

Tốt nghiệp đại học New South Wales, ông Nguyễn Hải Đăng có hơn 20 năm hành nghề Luật chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng ở Úc, từng được vinh danh là Luật sư thành viên của năm 2020 - chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng. Ông hiện đang là một trong những luật sư thành viên chủ chốt tại Sydney của Hãng luật toàn cầu Squire Patton Boggs.

Ông Nguyễn Hải Đăng cho rằng, có yếu tố may mắn trong thành công của mình, nhưng nhấn mạnh: “May mắn không tự nhiên mà có”.

Cơ duyên của chuyện du học ngành Luật

Bố mẹ của Nguyễn Hải Đăng đều là những Kỹ sư đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên. Từ nhỏ, ông đã bộc lộ sự yêu thích với Toán, Lý, Hóa và luôn nghĩ tương lai của mình cũng thuộc về khoa học tự nhiên.

Ông Đăng tự nhận mình “chỉ thích thể hiện ý tưởng của mình bằng những ký hiệu và con số”. Chính vì thế, định hướng ban đầu của ông không phải là ngành Luật - một ngành đặc thù được cho là chỉ dành riêng cho những người có khả năng về khoa học xã hội.

Ông Đăng chia sẻ: “Khi có cơ hội du học Úc, bố tôi khuyên nên theo đuổi ngành Luật. Ông cho rằng đây là một định hướng mang tính xã hội khi Việt Nam đang trên đà hội nhập với thế giới. Các nhóm ngành Luật - Kinh tế - Thương mại sẽ khát nhân lực có chuyên môn cao. Các quan hệ xã hội, kể cả kinh tế đều sẽ phải vận hành theo pháp luật, vì vậy, vai trò luật sư, đặc biệt những luật sư có kinh nghiệm, có kiến thức về luật quốc tế sẽ rất hữu dụng cho sự phát triển của Việt Nam sau này”.

Ông Nguyễn Hải Đăng - Luật sư trưởng nhóm Tài chính, Ngân hàng và Dịch vụ Tài chính của hãng luật quốc tế Squire Patton Boggs

 

Tốt nghiệp trung học với thành tích cao, với suy nghĩ “không có gì là không làm được”, ông Đăng quyết định sang Úc du học hai ngành cùng một lúc là thương mại và luật. Thực ra, đây cũng là quy định bắt buộc với thí sinh muốn vào học Luật ở Úc: Hoặc đã hoàn thành một đại học khác, hoặc phải học thêm một chuyên ngành khác.

Đây là bước ngoặt quan trọng tạo bàn đạp cho sự nghiệp của ông. Tìm cách để thích nghi, tự tìm kiếm để trang bị những kỹ năng cần thiết, mở rộng kết nối, gặp gỡ những người cùng chí hướng trong ngành Luật như ông Tom Treutler và ông Feber - những người đã hỗ trợ, cho ông Đăng khởi đầu làm việc tại hãng luật Baker McKenzie.

May mắn không tự nhiên mà có

Khi còn là sinh viên năm 2 tại Đại học New South Wales danh tiếng, ông Đăng đã được mời làm trợ giảng cho môn học thạc sĩ về Thị trường vốn châu Á, và môn học cấp đại học về định giá và quản lý rủi ro trong thị trường chứng khoán. Tốt nghiệp, ông đầu quân cho hãng luật quốc tế Baker McKenzie và nhanh chóng trở thành chuyên viên đắc dụng tại đây. Hiện, ông là luật sư thành viên chủ chốt tại Sydney của Hãng luật toàn cầu danh tiếng Squire Patton Boggs. Ông Đăng cho rằng: “May mắn thì ai cũng cần. Nhưng để thành công thì quan trọng nhất vẫn là nỗ lực bản thân mình.”

Luật sư Nguyễn Hải Đăng (thứ ba từ trái sang) cho rằng may mắn nhờ vào việc quản trị rủi ro tốt

 

Theo ông, công thức chung để thành công trong ngành Luật là cả một quá trình rèn luyện ý chí, đam mê mãnh liệt và bền bỉ theo đuổi. Từ một học sinh học chuyên Toán-Lý-Hóa để bước vào trường Luật và tốt nghiệp xuất sắc thì cần một ý chí rất lớn và một sự bền bỉ rèn luyện hàng ngày.

“Để có được may mắn thì phải quản trị tốt rủi ro. Rủi ro càng nhiều thì bản thân càng phải biết vận dụng tư duy, sự hiểu biết, năng lực của mình để biến rủi ro trở thành thế mạnh. Ngành Luật có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, vì thế, để theo đuổi ngành Luật, đặc biệt là trở thành luật sư tư vấn, người học phải là một người quản trị rủi ro tốt và tư vấn cho khách hàng những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu rủi ro. Nếu như rủi ro xảy ra người luật sư cũng cần có kế hoạch để giải quyết hậu quả với mức độ rủi ro thấp nhất”, ông Đăng chia sẻ.

Ông Đăng nhấn mạnh: “Nhờ trở thành Luật sư và biết cách quản trị tốt rủi ro mà trong cuộc sống, tôi đã gặp may mắn khi không vấp phải nhiều thất bại quá lớn”.

Số thứ ba của chuỗi talkshow Chìa khóa du học - Dấu ấn Đàn chim Việt sẽ được tổ chức lúc 10h00 ngày 09/05/2021. Tiến sĩ Lý Quí Trung sẽ trò chuyện cùng Tiến sĩ Phạm Anh Khôi - CEO và Đồng sáng lập FINA.

Buổi trò chuyện sẽ xoay quanh chủ đề “Đi là để trở về”, kể về câu chuyện du học của ông Phạm Anh Khôi tại Úc, và hành trình quay về Việt Nam lập nghiệp của ông. Buổi trò chuyện sẽ giúp các bạn trẻ, đặc biệt là các du học sinh còn đang phân vân trước lựa chọn nên ở lại hay quay về nước lập nghiệp sau khi học xong đưa ra quyết định đúng đắn cho bản thân. Các bạn trẻ cũng có thể tham gia thảo luận, hỏi đáp trực tiếp cùng hai diễn giả trong buổi hội thảo.

Đăng ký tham gia tại: https://isb.edu.vn/chia-khoa-du-hoc-dau-an-dan-chim-viet-so-3/

 
Dấu ấn Đàn chim Việt: Du học, cần lắm sự cần cù (VietQ.vn) - Trong số đầu của chuỗi talkshow trực tuyến “Chìa khóa du học - Dấu ấn đàn chim Việt” vừa qua, ông Dimitry Trần - Đồng sáng lập công ty Harrison. AI cho biết “Du học chính là đòn bẩy để tôi phát triển sự nghiệp sau này.”

 PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang