'Đầu tư thực tế cho khoa học công nghệ chỉ dưới mức 1,5%'

author 16:06 12/06/2015

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân giải thích về việc đầu tư ngân sách nhà nước hàng năm cho nghiên cứu KHCN không đạt đủ 2% theo như luật quy định.

Sự kiện: Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tại phiên trả lời chất vấn ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã giải đáp rất chi tiết những thắc mắc của các đại biểu và cử tri.

Trong số các vấn đề được đặt ra, vấn đề ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ được nhiều đại biểu dành sự quan tâm đặc biệt. Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đã đưa ra thắc mắc về việc Luật Khoa học Công nghệ Việt Nam quy định ngân sách hàng năm dành cho khoa học công nghệ là 2% nhưng thực tế chưa hề đạt được con số này trong nhiều năm qua kèm theo các số liệu cụ thể.

Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết mặc dù ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ theo Bộ Tài chính báo cáo là 2% luôn được bố trí đủ, tuy nhiên, phần ngân sách thực được giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ dưới 2% do luôn phải dành một phần ngân sách cho dự phòng và an ninh quốc phòng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có ý kiến với Bộ Tài chính và Quốc hội về vấn đề ngân sách cho phần dự phòng và an ninh quốc phòng đã tăng lên quá nhiều trong những năm gần đây, dẫn tới phần ngân sách thực chi cho nghiên cứu và đầu tư thường xuyên vào khoa học công nghệ chỉ đạt dưới mức 1,5%, do đó khiến hoạt động nghiên cứu khoa học không đạt hiệu quả.

Giải thích rõ hơn về ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã được bố trí 1,52% ngân sách trong năm qua, tương đương với 17.300 tỷ đồng. Trong số đó, chỉ có chưa tới 20% dành cho nghiên cứu các đề tài, dự án, chương trình các cấp quốc gia, các cấp bộ ngành, các cấp địa phương.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn

Đối với tình trạng nhiều nơi không sử dụng hết kinh phí khoa học công nghệ, Bộ trưởng đã chỉ ra rõ nguyên nhân của vấn đề. Theo đó, Việt Nam đã xây dưng kế hoạch hoạt động khoa học công nghệ theo tư duy của nền kinh tế tập trung trong thời gian dài trước đây. Để có kinh phí hoạt động, mọi nhiệm vụ khoa học công nghệ đều phải được phê duyệt từ tháng 7 năm trước và ngân sách sẽ chi trả cho kinh phí hoạt động vào tháng 1 năm sau.

Điều này khiến cho nhiều đề tài, dự án trở nên quá lạc hậu khi nhận được kinh phí và không thể đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, việc chuyển đổi giữa các loại hình nghiên cứu vẫn bị quyết định theo cách cứng nhắc, khiến kinh phí không thể chuyển đổi để sử dụng, buộc phải trả lại cho ngân sách nhà nước.

Để giải quyết cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết giải pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được thể hiện trong Luật Khoa học Công nghệ và trong Nghị định 95 năm 2014 của Chính Phủ. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ và dành tối thiểu 3%, tối đa 10% thu nhập tính thuế để đầu tư cho khoa học công nghệ của chính doanh nghiệp.

Trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng hết hoặc không có nhu cầu sử dụng sẽ phải đóng góp phần này cho các quỹ phát triển khoa học công nghệ của các bộ, ngành, địa phương và Trung ương trên cơ sở quỹ điều tiết của nhà nước nhằm hỗ trợ cho các hoạt động khoa học công nghệ của các Viện, trường hoặc tổ chức khoa học công nghệ khác có nhu cầu. Bộ trưởng khẳng định đây là một yếu tố thuận lợi cho việc sử dụng có hiệu quả tổng đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ.

Theo VTV

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang