Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa: Jetstar 'hào hứng', Vietjet 'lắc đầu'

author 05:29 04/04/2017

(VietQ.vn) - Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa nhận được sự ủng hộ của Vietnam Airlines và Jetstar, nhưng vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng xin ý kiến về đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa.

Theo ông, trong bối cảnh nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người Việt tăng, mới đây các hãng đồng loạt tăng giá vé máy bay đang trở thành vấn đề được nhiều người dân, DN quan tâm.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường. Ảnh - VIẾT CƯỜNG

Lí giải cho việc Bộ Giao thông Vận tải đang cân nhắc về khả năng áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa khiến người tiêu dùng lo ngại sẽ khó tiếp cận dịch vụ hàng không giá rẻ trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói:

“Về phía Bộ GTVT, xin có mấy giải thích thế này. Thứ nhất, trong thực hiện Luật Hàng không dân dụng liên quan đến giá cước và vận chuyển hàng không nội địa thì các hãng hàng không kê khai và áp giá vé trong khung giá của Nhà nước quy định. Cũng theo quy định tại Thông tư 36 của Bộ GTVT về quản lý giá vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ riêng ngành hàng không ngày 24/7/2015, thì hãng hàng không có quyền điều chỉnh tăng giá dịch vụ hàng không, kê khai bổ sung trong phạm vi 5% và không được vượt mức tối đa theo quy định của Nhà nước.

“Đồng thời, việc điều chỉnh tăng giá vé phải thực hiện theo đúng Nghị định 116 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Việc mới đây các hãng hàng không điều chỉnh giá vé, các khoản thu phí vẫn nằm trong mức cho phép của Bộ GTVT quy định cho nên đó là điều hợp lý”.

Nhưng theo ông Trường, tất cả những việc tăng này hiện nay các hãng hàng không đang gửi về Bộ GTVT xin ý kiến. “Bộ đang thụ lý và trước khi quyết định, Bộ sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và sau đó sẽ có thông báo với báo chí sau”, Thứ trưởng Trường cho biết.

Trước đó, hôm 17/3, Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa để thay thế quyết định 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014.

Đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa

Jetstar và Vietnam Airlines ủng hộ đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội đị, Vietjet Air thì không.

Theo đó, bên cạnh quy định sẵn có về khung giá trần, bộ đang cân nhắc về khả năng áp thêm khung giá sàn cho các đường bay nội địa và đã tổ chức họp lấy ý kiến các hãng hàng không về vấn đề này. Được biết, đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa nhận được sự ủng hộ của một số hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Jetstar, nhưng vấp phải sự phản đối từ hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air.

Thông tin trên báo Lao Động cho biết, trong văn bản góp ý với Bộ GTVT, Jetstar cho rằng cần thiết phải có giá sàn để xây dựng khung giá. Hãng này lập luận trong 3 năm qua sự phát triển nóng của ngành hàng không đã tác động mạnh và gây sức ép lên cơ sở hạ tầng nhà ga cũng như giao thông khu vực quanh các sân bay lớn. Bên cạnh đó, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không buộc phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để hút khách. Điều này được cho là làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Hãng này cũng cho rằng giá vé máy bay thấp hơn giá vé đường sắt, đường bộ có thể tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác, đồng thời nêu ví dụ về việc Indonesia cũng áp giá sàn để phòng ngừa cạnh tranh giá quá thấp so với giá thành. Jetstar đề xuất xác định mức giá sàn bằng cách lấy chi phí trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Theo đó, giá chi phí trực tiếp gồm có chi phí thuê, quỹ đại tu, thuê kho vật tư khí tài, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phục vụ chuyến bay, chi phí bảo hiểm… và dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay dao động từ 29% đến 34% giá trần.

Trong khi đó, Vietjet Air tán thành chủ trương nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần nhưng kiến nghị không quy định giá sàn. Vietjet cho rằng việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014 và không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo hãng này, hiện không còn nước nào quy định giá sàn dịch vụ vận chuyển hàng không và số lượng khách nội địa mới vào khoảng 10 triệu lượt/năm. Điều này cho thấy 90% dân số chưa tiếp cận với dịch vụ hàng không mà nguyên nhân chủ yếu là do giá cao hơn mức thu nhập.

Do đó, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá dịch vụ cũng như hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện vận chuyển hàng không của 80 triệu dân, đồng thời làm méo mó thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài ra, hãng này cho rằng quy định giá sàn cũng khó khả thi do việc tính toán tiêu chí xây dựng giá sàn còn chưa có sự thống nhất giữa các hãng hàng không.

VIẾT CƯỜNG

Thêm hàng không SkyViet người dân được lợi, VietJet Air và Jetstar bị ‘chia tiền’?(VietQ.vn) - Việc thành lập hàng không SkyViet đang gặp nhiều khó khăn từ phía truyền thông. Nếu đi vào hoạt động, SkyViet sẽ là đối thủ “nặng ký” của Vietjet Air.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang