Đề xuất xây nhà cao 40-70 tầng khu Ga Hà Nội: Ý kiến của chuyên gia

author 20:08 20/09/2017

(VietQ.vn) - Những ngày gần đây, thông tin về việc thành phố Hà Nội sẽ quy hoạch lại khu vực ga Hà Nội và phụ cận (tỷ lệ 1/2000) đang làm xôn xao dư luận.

Báo VTC News đưa tin, theo đồ án quy hoạch, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về giao thông vận tải đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hoá... của Thủ đô.

Ngoài ra quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân khu với các công trình xây dựng cao từ 40 – 70 tầng. Dự kiến với 98,1ha diện tích lập quy hoạch, dân số khu vực sẽ khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người).

Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội hiện đang được đưa ra lấy ý kiến. Tuy nhiên thời gian qua, khá nhiều chuyên gia đã lên tiếng lo ngại về quy hoạch này.

Hà Nội đi ngược quy chế của chính mình

Theo thông tin trên báo InfonetKTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là đi ngược với quy chế của chính mình. Đó là Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào ngày 7/4/2016.

Theo quy chế, khu vực xung quang Ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng, tương đương 65m. Các công trình cao phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội. Đồng thời, công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.

 Đề xuất xây nhà cao 40-70 tầng khu Ga Hà Nội gây xôn xao dư luận. Ảnh: Báo Tin tức

 Đề xuất xây nhà cao 40-70 tầng khu Ga Hà Nội gây xôn xao dư luận. Ảnh: Báo Tin tức

Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng, tương đương 32m với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình Ga Hà Nội.

“Đấy là pháp lý cần tuân thủ, nếu muốn điều chỉnh phải nêu lý do xác đáng, phải hỏi ý kiến cộng đồng, sau khi đồng ý mới trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đằng này cộng đồng không biết gì cả. Trước đây khi làm công trình cao tầng ở sau bến xe Kim Mã mặc dù các cơ quan thẩm quyền có ý kiến rồi nhưng cộng đồng phản đối thì lập tức các cấp có thẩm quyền cũng dừng lại, đây là bài học kinh nghiệm. Còn tại khu vực Ga Hà Nội này, có vấn đề khi không thực hiện đúng quy chế, quy trình? Năng lực yếu kém hay vì vấn đề gì?”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.

Gia tăng áp lực giao thông

KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, chỉ cần nghe thông tin Ga Hà Nội xây cao tầng lên lập tức đã thấy “khiên cưỡng rồi”, cố làm cho bằng được.

“Xây những khu cao tầng tập trung vào khu vực đó là không có lợi cho Hà Nội. Nếu xây như thế thì chúng ta sẽ đi đường nào để đến đó, trong khi tình trạng tắc đường vẫn thường xảy ra hàng ngày ở Hà Nội mà đến giờ vẫn chưa giải quyết được”, ông Lân nói.

Cũng theo vị KTS này, trong khi chúng ta đang cố gắng thực hiện giảm áp lực gia tăng dân số khu vực nội đô thì dường như đề xuất xây nhiều tòa nhà cao vài chục tầng như thế này sẽ càng “nhồi” thêm dân số vào khu vực, hoạt động cho Ga Hà Nội thì ít mà mục đích lấy diện tích đất thực hiện cái khác thì nhiều.

Tai nạn giao thông mới nhất 24h qua ngày 14/9/2017(VietQ.vn) - Những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 14/9: Tai nạn thương tâm, 4 người thương vong trong đêm; Xe tải cán chết một phụ nữ ở đoạn đường cong;...

Đề xuất mang tính lợi ích nhóm?

TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho hay khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành đều là những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Nếu xây dựng nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng thì càng tắc nghẽn hơn.

“Tôi cho rằng đề xuất này có động cơ mang lại lợi ích từ bất động sản cho một nhóm người nào đó, hơn là vì mục tiêu chung cho TP Hà Nội. Những năm gần đây, công tác quản lý quy hoạch Hà Nội bị buông lỏng, nhà cao tầng mọc lên tùy tiện, dân số tập trung ngày càng cao. Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng”, TS Phạm Sĩ Liêm nhìn nhận.

Ánh Ngân (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang