Điều chỉnh danh mục hàng hóa nhóm 2 để tạo thuận lợi cho DN

author 06:41 14/10/2016

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để rà soát hàng hóa nhóm 2 - hàng hoá nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho DN

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Chính phủ tiến tới thực hiện mục tiêu triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 2, đây là những sản phẩm hàng hóa có nguy cơ mất an toàn tới sức khỏe người tiêu dùng.

Thời gian cho hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiện nay đã rút ngắn rất nhiều đem lại lợi ích không nhỏ cho doanh nghiệp và các Bộ, ngành quản lý liên quan. Như thời gian kiểm tra từ thời điểm đăng ký đến thời gian ra thông báo chứng nhận hợp quy đã giảm xuống còn 1,26 ngày đối với nhóm sản phẩm dịch vụ khí hóa lỏng LPG. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp tục giảm số ngày kiểm tra cho doanh nghiệp, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận những kết quả kiểm nghiệm lẫn nhau và kết quả của các cơ quan kiểm định nước ngoài.

Để trả lời về vấn đề này, PV Chất lượng Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

 Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN

Xin ông cho biết, vai trò của Bộ KH&CN trong việc thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng?

Theo nghị quyết 19, Bộ KH&CN được Chính phủ giao rất nhiều các công việc, trong đó, có một trong những nhiệm vụ trọng tâm là rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhằm rà soát, xem xét và cải thiện những vấn đề còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính để đạt hiệu quả tốt nhất.

Vậy kết quả hoạt động triển khai tính đến thời điểm hiện nay là như thế nào?

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc rà soát các biện pháp nổi các sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn, đến nay, chúng tôi đã tổ chức làm việc trực tiếp với các Bộ quản lý chuyên ngành để rà soát đánh giá việc thực thi quản lý các sản phẩm hàng hóa nhóm 2.

Về cơ bản, hiện nay, Bộ KH&CN chỉ đạo rất quyết liệt, Tổng cục TCĐLCL cũng đã tổ chức triển khai rất mạnh mẽ các hoạt động này và tiếp tục triển khai trong thời gian tới để Nghị quyết 19 thực sự đi vào đời sống.

Hiện nay, về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy hàng hóa nhóm 2, do Bộ KH&CN quản lý, thì lâu nhất là bao lâu sẽ được cấp?

Hợp chuẩn là tự nguyện, nhưng hợp quy là đối tượng bắt buộc phải đánh giá, kiểm tra từ nước khi nhập khẩu.

Đối với nhóm sản phẩm hàng hóa hợp quy, thì được quy định bởi nhiều các Bộ, ngành khác nhau như Bộ Y tế, Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, trong đó có Bộ KH&CN, được quy định bởi rất nhiều các văn bản kiểm tra chuyên ngành khác, ngoài các hệ thống pháp luật văn bản quy chuẩn kỹ thuật như ngoài quy định quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm hàng hóa, còn có luật an toàn thực phẩm, luật tiết kiệm năng lượng và các luật đạt tiêu chuẩn, thì nhóm sản phẩm hàng hóa do Bộ KH&CN trực tiếp quản lý. Hiện nay đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan kiểm tra phải cải cách thủ tục hành chính và kết nối với cơ chế một cửa quốc gia, đồng thời giảm thiểu tối đa thời gian kiểm tra Nhà nước đối với hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu.

Hiện nay, với việc nhập khẩu hàng hóa nhóm 2, trước đây, chúng tôi mất gần 1 tháng để triển khai thực hiện, cải thiện từ các công tác quản lý Nhà nước, với các tổ chức kiểm tra đánh giá xuất khẩu giờ chỉ còn hơn 1 ngày.

Có ý kiến cho rằng, thời hạn để được thông quan đối với hàng hóa nhóm 2 xuất nhập khẩu chưa được tối ưu hóa do chưa có sự thống nhất chứng nhận phù hợp giữa các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chấp nhận kết quả lẫn nhau. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng, ý kiến này cũng có cơ sở, thực ra, quy định của mỗi nhóm sản phẩm hàng hóa khác nhau, các yêu cầu kỹ thuật có thể bị lặp ở những thời điểm khác nhau. Ví như, như kiểm tra LPG, nhiều phương tiện hiện đại thì kiểm tra chỉ trong 8 tiếng đồng hồ, nhưng kiểm tra xi măng phải mất 28 ngày mới có kết quả khẳng định xi măng đó có tốt hay không, vì nó còn phụ thuộc vào đặc tính của từng sản phẩm.

Tuy nhiên, quy định về cách thức quản lý hàng hóa sản phẩm nhóm 2 này của một số Bộ, ngành cũng có sự không thống nhất. Cụ thể, một số Bộ, ngành hiện nay ủy quyền trực tiếp cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp để kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa nhóm 2 khi nhập khẩu. Điều này, dẫn đến trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp theo luật thì họ nói là đơn vị sự nghiệp không phải cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các hoạt động kỹ thuật như thử nghiệm, đánh giá, xác nhận, chứng nhận.

Còn cơ quan quản lý nữa là cơ quan thuộc nhà nước đứng đầu ngành để đánh giá xem xét lại toàn bộ kết quả của tổ chức đánh giá có phù hợp hay không, để quyết định cho nhập khẩu hay không nhập khẩu. Ngoài ra, còn thông báo có đạt hay không đạt chất lượng. Hiện nay, đây là 2 khâu mà đang bị ngược đảo cho nhau, chính điều này đang bị nhiều doanh nghiệp lại hiểu nhầm rằng thời gian kiểm tra chuyên ngành nhập khẩu hoàn toàn do cơ quan nhà nước. Nhưng điều này cũng có lý bởi cơ quan nhà nước ủy quyền cho tổ chức đánh giá. Do vậy, doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của tổ chức đánh giá sự phù hợp đó, có trường hợp bị kéo dài thời gian là do như vậy.

Ví như, sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ NN&PTNT như phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng ủy quyền hoàn toàn cho tổ chức đánh giá sự phù hợp để thực hiện đánh giá sự phù hợp và kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu. Rõ ràng, điều này sẽ phải phụ thuộc vào tổ chức đánh giá sự phù hợp, nếu các đơn vị đánh giá sự phù hợp làm chậm thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến thời gian chứng nhận cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu tách biệt giữa hoạt động đánh giá sự phù hợp với hoạt động kiểm tra nhà nước khi nhập khẩu, tức là toàn bộ những hoạt động kiểm nghiệm, chứng nhận được xã hội hóa không chỉ có những doanh nghiệp chỉ định mà doanh nghiệp nhập khẩu ở nước ngoài, không chỉ tư nhân, nhà nước, cơ quan đánh giá sản phẩm của nước ngoài tham dự … thì nhà nước không thể đứng độc lập. Việc đó, doanh nghiệp có thể đến được nhiều với các tổ chức đánh giá sự phù hợp khác nhau, khi đó, nhà nước chỉ thẩm tra lại kết quả đánh giá sự phù hợp thì thời gian nó sẽ nhanh hơn và có nhiều sự lựa chọn với các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Đây là tín hiệu rất tốt để doanh nghiệp cũng như tư nhân hoàn toàn tin tưởng để giao cho các Bộ, ngành để giao kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng, đó chính là thông lệ quốc tế ở Việt Nam.

Vậy nếu thời gian kiểm tra đánh giá rút ngắn, liệu chất lượng sản phẩm hàng hóa có bị giảm đi hay không?

Nếu tách biệt ra các bước, thì chúng ta sẽ đứng độc lập hơn để xem xét. Bất kể quy định nào cũng phải đi vào thực tiễn. Ví như xi măng, quy định quốc tế là 28 ngày mới đánh giá chất lượng được, mà chúng ta chỉ kiểm tra trong 3-4 ngày thì rõ ràng các tổ chức đánh giá làm ẩu, để phù hợp với quy định của chúng ta, đây là vấn đề cân nhắc.

Nhưng nếu vai trò của cơ quan kiểm tra ủy quyền ngay cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đó để đánh giá, kiểm tra rồi thì cũng là nguy cơ tùy tiện trong việc chứng nhận của các tổ chức đánh giá sự phù hợp. Đây cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dù không đạt, nhưng tổ chức đó vẫn chứng nhận, bởi nhà nước ủy quyền, họ được toàn quyền quyết việc đó, và đưa cho Hải quan để thông quan sản phẩm này. Đây cũng rủi ro, chính sự tách biệt quản lý nhà nước với sự đánh giá sự phù hợp phải rõ ràng, nhà nước phải theo dõi được kết quả kiểm tra nhập khẩu phù hợp như thế nào để điều chính từng thời kỳ, theo đúng quy định sản phẩm hàng hóa của pháp luật.

Vậy số lượng hàng hóa nhóm 2 có được điều chỉnh hay không, thưa ông?

Đây cũng là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tới các Bộ, ngành trong cuộc họp kiểm tra nhà nước trong thời gian vừa rồi. Thực hiện chỉ đạo này, Bộ KH&CN đã tổ chức thực hiện với các Bộ quản lý ngang lĩnh vực.

Qua ra soát, chúng tôi thấy rằng cần có sự điều chỉnh một số sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của các Bộ, ngành. Hiện nay, một số Bộ ngành có thông tin trao đổi, sẽ có cắt giảm một số sản phẩm trước đây đã đưa vào danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2, nhưng hiện nay không cần thiết, để cắt giảm bớt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Như Bộ xây dựng, đang đề xuất loại bỏ 26 sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ xây dựng, không còn nằm trong điều kiện bắt buộc phải nhập khẩu nữa. việc rà soát nhóm sản phẩm hàng hóa nhóm 2, đây là những việc mà các Bộ cần phải làm trong thời gian tới.

Trên thực tế, không chỉ có cơ quan quản lý của nước ngoài không công nhận kết quả kiểm định của Việt Nam, mà chính các cơ quan quản lý nhà nước trong nước cũng không công nhận kết quả lẫn nhau. Điều này gây khó khăn gì trong hoạt động KH&CN cũng như phối hợp với các Bộ, ngành?

Đây cũng là thực trạng hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước trong nước không thừa nhận kết quả lẫn nhau, thì gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kiểm tra, quản lý chuyên ngành ở Bộ này, khi sang Bộ khác lại không được công nhận. Đây là một lãng phí của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp phải thực hiệc rất nhiều các quy định khác nhau, về bản chất lại giống nhau.

Ví dụ, một phòng thử nghiệm, khi mà thực hiện thử nghiệm nhóm sản phẩm hàng hóa nào đó, phải có năng lực, con người, trang thiết bị, hệ thống quản lý để đảm bảo cũng cấp kết quả thử nghiệm là chính xác. Sang Bộ khác cũng yêu cầu phải chứng minh kết quả năng lực của Bộ đó đánh giá … thì mới xác nhận chỉ định hoạt động đó. Đã có đơn vị bị kiểm tra hơn 13 cuộc kiểm tra đánh giá xem có đủ năng lực hay không, nhưng tiêu chí lại như nhau. Đây là một vấn đề mà hệ thống pháp luật về sản phẩm hàng hóa cần phải xem xét và điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới.

Khi cơ quan quản lý nhà nước trong nước và nước ngoài công nhận kết quả chứng nhận lẫn nhau sẽ giúp giảm tải cho các cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Việc này có xảy ra nguy cơ nào không?

Ở đây, có 2 mặt của vấn đề, hoạt động thừa nhận kết quả lẫn nhau thì phải xem xét để chúng ta thừa nhận trong một bối cảnh nào đó, để tạo sự lưu thông cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu được tốt hơn. Khi mà trong nước cần, thì phải đẩy mạnh kết quả của nước ngoài. Hoặc sự chỉ định của nhà nước với sự đánh giá phù hợp của các tổ chức nước ngoài và thừa nhận kết quả của họ.

Tuy nhiên, còn liên quan đến bài toán thương mại. Nếu chúng ta dễ dàng quá trong kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, thì sẽ có rủi ro trong cân bằng lợi ích giữa các nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đây là vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, khi thừa nhận ra sao để giảm thiểu khó khăn không cần thiết đối với doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo cho người tiêu dùng và cân bằng lợi ích sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đức Mậu

Cao Bằng: Nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực(VietQ.vn) - Cao Bằng nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh”.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang