Đổi mới mạnh mẽ hoạt động KH&CN để đạt trình độ với thế giới

author 21:24 10/11/2016

(VietQ.vn) - Để mục tiêu khoa học và công nghệ (KH&CN) đạt trình độ tiên tiến trên thế giới cần “Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN”.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tới dự và phát biểu tại sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, “Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, KH&CN đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đảng và Nhà nước xác định “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp”.

Hiện nay, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, trước yêu cầu tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới hoạt động khoa học nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng đặt ra ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết”.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế trung ương và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cùng các đại biểu thăm quan gian trưng bày của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN. Ảnh KH&PT

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về phát triển khoa học và công nghệ. Nghị quyết Trung ương 6 Khóa IX đã đề ra định hướng phát triển KH&CN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó xác định mục tiêu “Đến năm 2020, KH&CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực KH&CN đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Nghị quyết đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn, trong đó có chính sách “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN”.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, vừa qua, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Khóa XII đã khẳng định mạnh mẽ hơn về vai trò của chuyển giao KH&CN, cụ thể là “Ưu tiên phát triển và chuyển giao KH&CN, nhất là KH&CN hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Từ đó, nhiều chính sách lớn cần được triển khai đồng bộ như chính sách “Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp”, chính sách “khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao KH&CN”, chính sách “thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo”.

Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã thể chế hóa thành các chính sách cụ thể, tiêu biểu như: Luật KH&CN; Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Các chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, mở ra những hướng phát triển mới cho địa phương trong lĩnh vực KH&CN.

Thực hiện các định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ KH&CN trong thời gian qua cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành, đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các bộ ngành, địa phương để phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, tạo lập năng lực cạnh tranh ngày một tốt hơn trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tại kết luận 26 ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị khóa IX nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được mở rộng gồm 14 tỉnh và các huyện phía tây của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An được nhận thức rõ về vai trò và vị trí là “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ; có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu; có nhiều đồng bào các dân tộc cùng sinh sống gắn bó lâu dài với bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống yêu nước, đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm; trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, căn cứ cách mạng. Tuy vậy, đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước”.

Do đó, xây dựng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ vững mạnh toàn diện vừa là trách nhiệm của cả nước đối với vùng cách mạng này, vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước.

Đức Mậu

TechDemo 2016: Nâng cao năng suất, phát triển kinh tế vùng núi phía Tây Bắc(VietQ.vn) - Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ năm 2016 (TechDemo 2016) hướng đến kết nối cung - cầu công nghệ phục vụ phát triển vùng núi Tây Bắc.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang