Dự án cao tốc Vân Đồn-Móng Cái và bài học Cát Linh-Hà Đông

author 09:28 29/07/2016

(VietQ.vn) - Sau dự án Cát Linh – Hà Đông, hiện nay đến lượt dự án Vân Đồn – Móng Cái, cuộc chơi ODA theo kiểu "bán bia kèm mồi" vẫn tiếp diễn.

Nhưng bài học từ đường sắt Cát Linh – Hà Đông với sự trì trệ, yếu kém đã phơi bày tất cả về cung cách làm việc của nhà thầu Trung Quốc hãy còn đó.

Có lẽ từ bài học Cát Linh – Hà Đông đầy chua xót mà Bộ Kế hoạch Đầu tư lần này đề nghị không chấp nhận phương án vay tiền của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc rồi sau đó chỉ định nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu, theo tuoitre.vn.

Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông “uốn lượn” ngoài thiết kế. Hình: TL 

Đề xuất của Bộ này đã được gửi lên Thủ tướng liên quan đến dự định vay trên 300 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Theo dự kiến, dự án trên sẽ có tổng vốn trên 380 triệu USD, trong đó, phía Trung Quốc đã đồng ý về nguyên tắc cho Việt Nam vay khoảng 300 triệu USD. Vốn đối ứng của phía Việt Nam là 80 triệu USD.

Vốn ODA từ phía Trung Quốc thường có kèm việc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC.

Hợp đồng tổng thầu EPC (Engineering – Procurement – Construction) gồm hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng tất cả các công trình của dự án đầu tư.

Bài học từ đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông gây ra biết bao hậu quả cũng xuất phát từ hình thức tổng thầu EPC.

Cát Linh – Hà Đông trễ 2 năm vẫn chưa xong

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km khổ 1.435mm. Toàn tuyến đường sắt đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi.

Điểm khởi đầu là ga Cát Linh, quận Đống Đa, điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa, quận Hà Đông, gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới).

Khu Depot - trung tâm điều hành tuyến - tại phường Phú Lương, quận Hà Đông.

Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn vay của Trung Quốc và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư ban đầu gần 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD).

Thế nhưng, đến năm 2014, chi phí đã được điều chỉnh đội thêm 339,06 triệu USD – hơn 50% so với tổng mức đầu tư ban đầu, nâng tổng mức đầu tư dự án lên gần 892 triệu USD.

Sự trì trệ của nhà thầu Trung Quốc khiến dự án này được triển khai từ năm 2009 tới nay đã chậm tiến độ hai năm so với kế hoạch ban đầu nhưng vẫn chưa hoàn thành.

Năm 2014, tại công trường thi công tuyến đường sắt này đã xảy ra ba vụ tai nạn khiến một người chết, ít nhất ba người bị thương, một xe hơi bị hư hỏng gần như hoàn toàn.

Gần đây, có tình trạng rò nước dưới công trình nhà ga trên đường Hoàng Cầu.

Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Xuân Thủy được báo Đất Việt dẫn lời nhận định về bài học Cát Linh – Hà Đông: "Hiện nay, chúng ta phụ thuộc Trung Quốc vì nguồn vốn ODA, phía Trung Quốc cầm chắc thế vững nên gây khó khăn cho Việt Nam.

“Ở đây, rõ ràng, việc chọn nhà thầu không những là vấn đề năng lực, mà còn là cả vấn đề ý thức, đạo đức nghề nghiệp, tính tổ chức, kỷ luật trong quan hệ với đối tác.

“Nhà thầu Trung Quốc tất cả các yếu tố đều yếu kém, nhất là đối với quan hệ quốc tế.”

Trước bài học chua xót mang tân Cát Linh - Hà Đông, Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa ra một hướng là thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

Trần Bích

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang